Xuất bản tháng 5/2019.
Thưa quý vị bạn đọc!
Mặc dù việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã được khuyến cáo hạn chế; thậm chí sắp tới đây sẽ cấm sử dụng các chất kháng sinh có chức năng kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, thế nhưng tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở nước ta vẫn tràn lan và đáng báo động. Theo ước tính, mỗi năm nước ta sử dụng 1.000 – 1.200 tấn kháng sinh; trong đó có hơn 40 tấn dành cho chăn nuôi gia cầm và hơn 980 tấn cho chăn nuôi heo. Đây thực sự là một con số khủng khiếp.
Trước xu hướng cấm sử dụng kháng sinh ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia như hiện nay thì việc tìm ra các giải pháp thay thế kháng sinh hiệu quả là điều cấp thiết. Bên cạnh các giải pháp như bổ sung probiotics hay emzyme thủy phân, thực khuẩn thể, các yếu tố kích thích miễn dịch… thì thắt chặt an toàn sinh học cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu nếu làm tốt. Nói về an toàn sinh học, TS. Kenjiro Inui, Chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) khẳng định: “An toàn sinh học, an toàn sinh học và an toàn sinh học là cách phòng bệnh tốt nhất”.
Bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi là việc cần thiết để phòng ngừa dịch bệnh, sản xuất thịt sạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và là hướng đi đúng cho ngành chăn nuôi. Cùng với những thuận lợi, người nông dân đang phải khắc phục nhiều khó khăn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc bảo vệ, hướng dẫn, giúp đỡ họ nhằm góp phần thúc đẩy chăn nuôi nông hộ phát triển bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, Dịch tả heo châu Phi (ASF) đã và đang khiến ngành chăn nuôi heo nước ta điêu đứng. Mới đây, ASF đã lan vào Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước, khiến khó khăn sẽ chồng thêm khó khăn đối với người chăn nuôi heo trong thời gian tới. ASF hiện chưa có vaccine phòng và chữa trị, theo đó không thể dập tắt dịch bệch này trong “một sớm một chiều”. Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì sợ hãi chúng ta nên “sống chung” với dịch bệnh bằng cách thắt chặt và nâng cao an toàn sinh học hơn nữa. Nếu xây dựng được những vùng nuôi an toàn sinh học, hoàn toàn sạch bệnh thì có thể phát triển chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm sạch để cung ứng cho thị trường và xuất khẩu. Hay nói cách khác, xây dựng chiến lược chăn nuôi an toàn sinh học không phải để đối phó với riêng ASF trên heo, mà xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học chính là để tạo ra những vùng nuôi an toàn sinh học nhằm đưa ngành chăn nuôi Việt Nam lên một tầm cao mới.
Chăn nuôi không kháng sinh, chăn nuôi an toàn sinh học bảo đảm hiệu quả và bền vững là thông điệp mà ấn phẩm Người Chăn nuôi số 51 phát hành tháng 5/2019 muốn gửi gắm. Rõ ràng không dễ để thực hiện, tuy nhiên để ngành chăn nuôi Việt Nam bứt phá, trước hết cần có sự đổi mới về tư duy, từ đó mới hy vọng thay đổi về hành động.
Ngoài ra trong số này vẫn là những chuyên trang, chuyên mục với nhiều nội dung hấp dẫn khác. Rất mong Quý vị bạn đọc tiếp tục quan tâm và sẻ chia cùng Đặc san Người Chăn nuôi.
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Bảo Ngọc: 098 999 1977 / Thu Trang: 0974 916 886
Vũ Na: 0978 233 492 / Ngọc Ánh: 0963 555 554/ Nguyệt Nga: 098 453 99 88
Email: phqcnguoichannuoi@gmail.com
hoặc quý độc giả có thể điền thông tin vào form thông tin kế bên, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất với bạn.
Trân trọng!