Người Chăn Nuôi số 33

(Người Chăn Nuôi) – Xuất bản tháng 11 – 2017

Thưa quý vị bạn đọc!

Ngành chăn nuôi năm 2017 sắp đi qua những tháng cuối để chuẩn bị khép lại một năm đầy khó khăn. Bởi theo đánh giá, trong năm qua, những cơn chạm đáy của giá heo đã khiến người nuôi nhiều lần điêu đứng, phá sản và chưa biết khi nào mới gượng dậy tái sản xuất.

Những khó khăn trong sản xuất từ lâu đã được nhìn nhận và đề cập, nhiều ý kiến đưa ra để tháo gỡ khó khăn là cải cách sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi, đưa sản phẩm chăn nuôi sạch từ trang trại tới bàn ăn. Đặc biệt, muốn tồn tại được, sản phẩm cần có chất lượng. Khi sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường trong nước sẽ là kênh tiêu thụ lớn, chưa kể sản phẩm này cũng sẽ được thị trường quốc tế đặt hàng.

Vẫn biết chất lượng có vai trò quyết định cho sự tồn tại sản phẩm, nhưng để làm được điều này, dường như vẫn còn nhiều rào cản, nhiều lý do được đưa ra để “hợp thức hóa” cho việc chưa làm được. Bởi ngành đã từng có những đề án quản lý an toàn dịch bệnh động vật chăn nuôi, nhưng kết quả triển khai còn hạn chế, chưa được công bố và ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi.

s0 33

 

Theo Cục Chăn nuôi, hiện có gần 10 triệu hộ gia đình mưu sinh bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, cung cấp khoảng 50% tổng sản phẩm thịt toàn ngành. Để hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa số lượng cung cấp tăng lên, cần bắt đầu bằng việc hạn chế dịch bệnh, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cao, đủ tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bởi hiện cả nước mới có khoảng 30 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khoảng 30 doanh nghiệp được cấp chứng nhận ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, các trang trại và doanh nghiệp cần phải tiếp cận những tiêu chuẩn cao và đạt được các chứng nhận quốc tế như: Chứng nhận GlobalGAP và các chứng nhận khác. Quá trình này cần nhận được sự hỗ trợ của nhà nước để đổi mới và phát triển công nghệ. Đồng thời, theo các doanh nghiệp, việc xử phạt nghiêm các cơ sở giết mổ lậu, bảo vệ và phát triển ngành công nghệ giết mổ hiện đại là điều rất cần thiết. Khi thịt bẩn, thịt nhiễm thuốc an thần, không rõ nguồn gốc… giảm trên thị trường, chắc chắn sẽ tạo kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn lên ngôi.

Những vấn đề trên cũng là là nội dung chính được Đặc san Người Chăn nuôi đề cập tháng 11/2017. Mời bạn đọc đón nhận và góp ý.

          Trân trọng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *