(Người Chăn Nuôi) – Xuất bản tháng 5 năm 2016
Thưa quý vị bạn đọc!
Dù không thực sự mạnh nhưng chăn nuôi Việt Nam cũng được “xếp số” trên bản đồ chăn nuôi thế giới. Tuy nhiên, đó chỉ là tính về số lượng, bởi tính tổng đàn chăn nuôi thì Việt Nam cũng đứng trong top 10, nhưng một nghịch lý là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam xuất khẩu vẫn rất khiêm tốn và nhập khẩu sản phẩm thịt các loại từ các nước đang tăng hàng năm.
Việc gia tăng nhập khẩu cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước lớn. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành này vẫn còn dư địa để phát triển, nhưng xét toàn diện thì không hẳn là tin vui cho ngành chăn nuôi. Bởi, việc nhập khẩu này phần lớn dành đáp ứng nhu cầu “thực phẩm sạch”.
Hiện nay, người tiêu dùng đã nhận thấy ăn cái gì cũng lo, và trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn, họ như lạc vào ma trận. Không còn tin tưởng nguồn sản phẩm nội địa, người tiêu dùng quay sang đặt niềm tin vào sản phẩm thịt nhập khẩu, tiện lợi, giá cả không quá cao và quan trọng hơn là trên bao bì sản phẩm đều ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Thị phần của thịt nhập khẩu đang tăng lên nhanh chóng. Và nó tăng đến mức nào còn phụ thuộc vào hành động của người chăn nuôi và thái độ của người tiêu dùng trong nước!
Việc tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm nội địa hiện gặp nhiều khó khăn do vấn đề giá cả và an toàn thực phẩm. Giải quyết điều này, các doanh nghiệp và trang trại nhận thấy việc cấp thiết xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề này hiện còn gặp một số khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư. Vì nhà nước chỉ có những hỗ trợ ban đầu, còn việc duy trì chủ yếu dựa vào doanh nghiệp và sức dân. Dù còn khó nhưng phong trào xây dựng thương hiệu cho thấy ngành chăn nuôi gia cầm, gia súc đang dần chuyển sang hướng thị trường, hiện đại và hướng đến người tiêu dùng.
Một sự kiện đang “nóng” là việc Trung Quốc thu mua lợn của Việt Nam. Sau thời gian đầu hanh thông, lợn ùn ùn dồn lên biên giới thì hiện nay hàng xuất khẩu đã bị “dội” về, giá lợn trong nước theo đà sụt giảm mạnh. Không khác là mấy so với nhiều sản phẩm nông, thủy sản. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng nhận định, khoảng 3 – 5 tháng tới, nếu Trung Quốc không nhập nữa, trong khi số lợn đang nuôi tới kỳ xuất chuồng thì giá sẽ còn giảm; nguy cơ người nuôi bị thua lỗ nặng là khó tránh khỏi.
Đây là những nội dung quan trọng trên Đặc san Người Chăn nuôi phát hành số tháng 5/2016. Cùng đó vẫn là những bài viết khoa học kỹ thuật và sự đồng hành cùng người chăn nuôi của các chuyên gia cũng như những bài học từ chăn nuôi của một số nước trên thế giới. Mời các bạn đón đọc và góp ý.
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Bảo Ngọc: 098 999 1977 / Thu Trang: 0974 916 886
Vũ Na: 0978 233 492 / Ngọc Ánh: 0963 555 554/ Nguyệt Nga: 098 453 99 88
Email: phqcnguoichannuoi@gmail.com
hoặc quý độc giả có thể điền thông tin vào form thông tin kế bên, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất với bạn.
Trân trọng!