An Giang: Tăng cường liên kết trong chăn nuôi

Với nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, cùng với đầu ra và giá bán ổn định, ngành chăn nuôi đang từng bước phục hồi. Khi các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ được đẩy mạnh, lợi thế chăn nuôi của An Giang càng được phát huy tốt.

Các đàn vật nuôi đều tăng

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, tính đến tháng 7/2022, các đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều có mức tăng so cùng kỳ 2021. Trong đó, đàn trâu, bò có khoảng 70.800 con, tăng 1.550 con so cùng kỳ (đàn bò 68.500 con, tăng 1.600 con); đàn heo có hơn 89.100 con, tăng 4.200 con; đàn gia cầm hơn 5,2 triệu con (đàn vịt hơn 3,9 triệu con, tăng 64.000 con; đàn gà hơn 1,2 triệu con, tăng 192.000 con). Ngoài ra, đàn dê khoảng 8.000 con, đàn thỏ 3.700 con và có khoảng 956 nhà yến.

chăn nuôi heo an giang

Phát triển chăn nuôi trang trại

6 tháng đầu năm 2022, ngành thú y đã tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh lở mồm long móng đạt 83%, bệnh viêm da nổi cục đạt 81% trên đàn trâu, bò; phòng bệnh dại chó đạt tỷ lệ còn bảo hộ 91%; phòng bệnh trên đàn gia cầm đạt tỷ lệ bảo hộ 149% đối với đàn vịt, 82% đối với đàn gà. Qua giám sát và kiểm tra ngẫu nhiên trên đàn gia súc, gia cầm, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nguồn vaccine tiêm phòng miễn phí đến nay vẫn ổn định, đảm bảo an tâm cho người chăn nuôi.

Trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra một số bệnh, như: Cảm nóng say nắng, bỏ ăn, Ecoli, tụ huyết trùng, phó thương hàn… được lực lượng cán bộ thú y can thiệp kịp thời, điều trị khỏi cho 7.281 vật nuôi mắc bệnh (tỷ lệ điều trị khỏi 98%). Đồng thời, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng thường xuyên phương tiện vận chuyển, quầy kệ bán thịt gia súc, gia cầm, khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với gần 8,1 triệu m2.

Ông Trần Tiến Hiệp cho biết, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất (GO) ngành chăn nuôi tăng khoảng 103,5 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch tăng trưởng năm 2022; riêng tăng trưởng tại các trại chăn nuôi khoảng 65,5 tỷ đồng. Trong đó, trại heo Định Thành tăng quy mô đàn thêm 2.000 con so với năm 2021 (GO tăng khoảng 6 tỷ đồng); trại heo Thagrico sản xuất khoảng 10.000 heo giống (GO tăng 30 tỷ đồng).

Đối với gà thịt, đến tháng 6/2022, trại Thiên Anh (huyện Tịnh Biên) xuất chuồng khoảng 80.000 con gà thịt, trại Hòa Bình (TP. Châu Đốc) xuất chuồng khoảng 54.000 con (GO tăng 7,4 tỷ đồng). Đối với vịt thịt, trại Trí Tùng (huyện Châu Phú) xuất chuồng khoảng 60.000 con, trại vịt tại xã Lương Phi (huyện Tri Tôn) xuất chuồng khoảng 30.000 con (GO tăng khoảng 7,3 tỷ đồng). Đối với bò thịt, trại MPA (huyện Tri Tôn) tăng đàn khoảng 200 con (GO tăng khoảng 7 tỷ đồng). Đối với sản phẩm tổ yến, tăng khoảng 600kg (GO tăng 7,8 tỷ đồng)…

 

Mở rộng liên kết

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Trần Tiến Hiệp, kế hoạch năm 2022, GO ngành chăn nuôi dự kiến tăng khoảng 207 tỷ đồng so năm 2021. “Một số trại chăn nuôi gà thịt, heo thịt liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đã tăng quy mô chăn nuôi tại trại nên sản lượng sản phẩm chăn nuôi dự kiến đến cuối năm 2022 tăng so với kế hoạch, khả năng đảm bảo tăng trưởng chăn nuôi năm 2022” – ông Hiệp nhận định.

Theo đó, dự kiến GO chăn nuôi 6 tháng cuối năm 2022 tăng khoảng 114,7 tỷ đồng. Đối với đàn heo, tăng 23.100 con, GO tăng 69,3 tỷ đồng (trại Việt Thắng tăng 18.000 con, trại Định Thành tăng 5.100 con); gà thịt tăng 345.000 con (trại Thiên Anh tăng 225.000 con, trại Hòa Bình tăng 120.000 con); vịt thịt tăng 90.000 con tại trại vịt Trí Tùng; trứng gà tăng 500.000 trứng tại trại gà đẻ An Tâm; sản lượng tổ yến tăng khoảng 1.332 kg.

Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, ngành chăn nuôi và thú y đang thống kê lại tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đánh giá hiện trạng chăn nuôi, quy mô chăn nuôi (nông hộ, trang trại quy mô lớn, vừa và nhỏ) để đề xuất giải pháp phát triển chăn nuôi theo từng quy mô; áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP và tiến tới chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

Đồng thời, tiếp tục kế hoạch phát triển các trại chăn nuôi quy mô lớn, như: Trại heo thịt 3.000 con tại xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn), trại heo thịt 24.000 con tại xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn); trại gà thịt 19.500 con tại xã Mỹ Phú (huyện Châu Phú); trại vịt thịt 30.000 con tại xã Lương Phi (huyện Tri Tôn).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang đang tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH tại xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn). Đến hết tháng 6/2022, đối với đường dẫn từ cầu Vĩnh Lạc đến địa điểm triển khai dự án, đã di dời xong nhà ở của hộ dân 2 bên đường, san lấp xong 4 cống thoát nước, 2 cống hiện đang thi công. Đơn vị đầu tư tiếp tục đấu thầu hạng mục san lấp mặt bằng cho dự án (diện tích hơn 80ha); dự kiến sẽ thả bò trong quý III/2023.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang đang xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển hệ sinh thái chăn nuôi heo, bò sữa gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khi được UBND tỉnh phê duyệt, sẽ là cơ sở quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Ngô Chuẩn

Nguồn: Báo An Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *