Càng gần tết, người chăn nuôi càng phải cẩn trọng, kiểm soát chặt chẽ đàn vật nuôi hơn. Việc này giúp hạn chế thấp nhất rủi ro, dịch bệnh có thể xảy ra, gây thiệt hại đàn gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm trong dịp tết sắp tới.
Tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp
Để phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh cho vật nuôi, từ đầu tháng 9, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đã triển khai tiêm phòng vắc xin đợt II/2022. Đến nay, đợt tiêm phòng đã kết thúc, nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu.
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, chỉ riêng vắc xin lở mồm long móng do được Nhà nước hỗ trợ nên tỉ lệ tiêm đạt 87% tổng đàn trong diện tiêm với tổng số 99.145 con trâu, bò được tiêm. Còn lại các loại vắc xin khác, tỉ lệ tiêm đạt rất thấp.
Cụ thể, qua đợt tiêm phòng, toàn tỉnh chỉ tiêm được 20.025 liều vắc xin tụ huyết trùng, chiếm khoảng 17,5%; đã tiêm 47.634 liều vắc xin viêm da nổi cục, đạt 58%. Đối với vắc xin cúm gia cầm, toàn tỉnh cũng chỉ tiêm được 241.950 liều; trong đó, huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa được Nhà nước hỗ trợ vắc xin thì tiêm được 148.750 liều, còn lại toàn tỉnh chỉ tiêm được 93.200 liều. Đây là một con số khá khiêm tốn so với tổng đàn gia cầm toàn tỉnh khoảng 4,3 triệu con.
Người chăn nuôi tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gà. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Theo nhiều người chăn nuôi, nguyên nhân chính họ không tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho vật nuôi là vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán gia súc, gia cầm đều đang hạ thấp nên bà con giảm tiêm phòng để tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị cho gia súc, gia cầm xuất chuồng chỉ còn hơn 1 tháng nữa nên nhiều người lo ngại việc tiêm phòng sẽ làm vật nuôi bị nóng, khiến tốc độ tăng trọng chậm, không đạt hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: “Để đạt được hiệu quả bảo hộ của vắc xin với dịch bệnh thì tỉ lệ tiêm phòng phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên. Nếu tỉ lệ tiêm phòng thấp hơn thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ rất cao. Hiện ngành Thú y và các địa phương tiếp tục tổ chức tiêm bổ sung, người chăn nuôi cần tích cực phối hợp”.
Cần chủ động, tích cực phòng dịch
Theo Sở NN-PTNT, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh có hơn 171.900 con, đàn heo 144.000 con, đàn gia cầm khoảng 4,3 triệu con. Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở vật nuôi đang được kiểm soát tốt, không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Trong khi đó, vụ chăn nuôi tết lại là vụ sản xuất lớn nhất trong năm của bà con, nếu xảy ra dịch bệnh, thiệt hại là rất lớn và còn ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm tết. Chính vì vậy, để phòng ngừa rủi ro, các địa phương và người chăn nuôi cần phải thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch.
Tại huyện Tuy An, đại diện Phòng NN-PTNT huyện này cho biết, hoạt động chăn nuôi của địa phương đang ổn định, tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển khá. Cụ thể, đàn bò có khoảng 35.000 con, đàn heo hơn 22.000 con, đàn gia cầm 400.000 con. Vừa qua huyện đã phân bổ thuốc sát trùng về cho các xã, thị trấn để phun tiêu độc sát trùng môi trường, giảm nguy cơ phát dịch. Cùng với đó, địa phương cũng hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế rủi ro, nhiều hộ đã chủ động áp dụng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Sáu ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) vỗ béo 3 con bò thịt được gần 2 tháng, khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất chuồng. Tính đến nay, tiền giống và chăm sóc đã lên đến 100 triệu đồng. Từ giờ đến tết có thể bò sẽ tăng trọng thêm vài chục ký/con, lúc đó mỗi con có thể bán được 40 triệu đồng, trừ các chi phí, lứa bò này cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Theo bà Sáu, số bò này là toàn bộ vốn liếng của gia đình nên bà đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Đặc biệt, trong giai đoạn này, độ ẩm không khí tăng cao, thời tiết mưa nắng thất thường nên việc đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi là rất cần thiết. Ngoài dọn dẹp vệ sinh, thu gom xử lý chất thải thì gia đình bà còn phun thuốc tiêu độc sát trùng 2 lần/tuần để tiêu diệt bớt mầm bệnh lưu cữu trong môi trường xung quanh.
Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Lan ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cũng rất tích cực phòng dịch cho đàn gà chuẩn bị bán tết của gia đình. Bà Lan cho biết: Hiện nay, gà đã đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg/con, nếu chăm sóc tốt, tầm 1 tháng nữa xuất bán gà sẽ có trọng lượng 1,7 – 2 kg/con. Để bảo toàn đàn, tôi kiểm soát kỹ các khâu ra vô trại. Toàn bộ vật dụng, người vào trại đều được khử khuẩn. Chất thải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng vôi bột. Ngoài ra, giai đoạn này, gia đình tôi còn tăng cường bổ sung các loại vitamin và khoáng chất giúp vật nuôi có sức đề kháng tốt nhất.
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, chi cục đã phân bổ 12.000 lít thuốc sát trùng về cho các huyện, thị, thành phố. Các địa phương cũng đã triển khai phun, dự kiến sẽ kết thúc đợt phun thuốc vào ngày 10/12.
Trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao, vì vậy người chăn nuôi không được chủ quan. Chi phí tiêm vắc xin phòng dịch tuy có tốn kém, nhưng so với những thiệt hại nếu xảy ra dịch bệnh thì không là gì. Bà con cần chủ động và tích cực tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm cho vật nuôi để bảo toàn đàn cho đến khi xuất chuồng. Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên |
Cao Ngọc – Thủy Tiên
Nguồn: Báo Phú Yên