Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) toàn tỉnh hiện có hơn 59.000 con trâu, bò; hơn 272.000 con lợn; gần 4 triệu gia cầm… Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 80.520 tấn, tăng 6,6% cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng đang diễn biến phức tạp đòi hỏi công tác vệ sinh tiêu trùng khử độc trong chăn nuôi phải được quan tâm.
Cũng giống như nhiều tỉnh, thành trong nước, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện lẻ tẻ như bệnh tiêu hóa ở trâu, bò với 236 con mắc bệnh, trong đó 3 con bị chết. Ở đàn lợn xuất hiện các dịch bệnh như: Bệnh đóng dấu (2.781 con mắc), bệnh dịch tả lợn châu Phi (162 con mắc), bệnh thương hàn (1.649 con mắc), phấn trắng lợn con (3.332 con mắc), tiêu chảy (2.714 con mắc), hô hấp (2.019 con mắc). Qua đó đã có 1.515 con lợn bị chết do nhiễm bệnh dịch.
Còn trên đàn gia cầm xuất hiện các dịch bệnh như: Newcastle với 6.159 con mắc, trong đó có 1.559 con chết; bệnh tụ huyết trùng với 13.139 con mắc, trong đó có 1.918 con chết… Mới đây nhất, cuối tháng 10/2022, đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5 trên đàn vịt nuôi ở thôn 1, xã Tiền Phong, TX Quảng Yên… với 3.500 con mắc.
Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, không chỉ khi có dịch bệnh, mà ngay từ đầu năm, Chi cục đã phối hợp cùng các địa phương tích cực hướng dẫn người chăn nuôi chú trọng vệ sinh tiêu trùng, khử độc chuồng trại; nhập con giống, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, Chi cục thường xuyên phối hợp với các địa phương truy xuất nguồn gốc các ca bệnh trên gia súc, gia cầm; khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời khi có các dịch bệnh phát sinh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng, tiêu độc; đặt biển báo, chốt kiểm soát hạn chế ra vào vùng dịch.
Ngay như ổ dịch cúm A/H5 tại xã Tiền Phong, TX Quảng Yên, Chi cục và các ngành chức năng đã lập tức khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nhiễm bệnh. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ khu vực ổ dịch, chỉ đạo đơn vị thú y các địa phương nắm chắc tình hình hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ để có giải pháp xử lý khi xuất hiện dịch cúm gia cầm.
Cùng với đó, nhân viên thú y của các địa phương nắm chắc tình hình hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ để vận động, tuyên truyền tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vệ sinh chuồng trại… Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 4.282.111 liều vắc xin các loại như: Tụ huyết trùng trâu bò, viêm da nổi cục trâu bò, tai xanh, cúm gia cầm, bệnh dại và một số loại vắc xin khác được tiêm cho gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn tăng cường cung cấp hóa chất, vôi bột cho các địa phương xuất hiện các ổ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Theo đó, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các địa phương thường xuyên phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, ban quản lý các chợ tổ chức phun khử trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi, chuồng trại nuôi nhốt, nơi tập kết, kinh doanh, buôn bán động vật và các sản phẩm động vật, các cơ sở giết mổ tập trung, ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao… 11 tháng năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 17.063 lít hóa chất, 25.610kg vôi bột để các địa phương tiến hành tiêu trùng, khử độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, các điểm buôn bán gia súc, gia cầm.
Việc kiểm soát vệ sinh thú y ở các điểm giết mổ gia súc, gia cầm cũng được chú trọng hơn. Hiện toàn tỉnh có gần 700 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó có 6 cơ sở giết mổ tập trung. Từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương thực hiện kiểm soát giết mổ 202.753 con lợn và 200.232 con gia cầm.
Cùng với đó, các địa phương còn chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm cũng như đảm bảo tốt vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chất lượng cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long, Công ty TNHH Một thành viên Nông Lâm Ngư Quảng Ninh có đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà (giống gốc) với tổng 710 con. Hàng năm, các doanh nghiệp này cung cấp gần 4.300 con nái bố mẹ phục vụ thay thế, bổ sung đàn nái; cung ứng khoảng 60% nhu cầu con giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi trên địa bàn.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2023 như hiện nay. Các địa phương và người chăn nuôi không được chủ quan và tiếp tục quan tâm, thực hiện thường xuyên hơn việc tiêu trùng, khử độc để đảm bảo đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh.
Thu Nguyệt