Cùng với kiểm soát giết mổ, mỗi tháng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang kiểm dịch vận chuyển hàng trăm chuyến gia súc, gia cầm bán ra ngoại tỉnh. Việc làm này vừa giúp các cơ sở chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, vừa ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Tích cực kiểm dịch tại chỗ
Dù quãng đường cách xa hàng chục km nhưng mới 6 giờ sáng, anh Nguyễn Đăng Phố, cán bộ Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông Lục Nam (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) đã có mặt tại trang trại của chị Nguyễn Hồng Hạnh, thôn Bài Giữa, xã Lam Cốt (Tân Yên) để kiểm tra đàn gà trước khi xuất bán, kịp thời gian mang đi tiêu thụ.
Anh Nguyễn Đăng Phố kiểm tra, giám sát quá trình xuất bán gà thương phẩm của hộ chị Nguyễn Hồng Hạnh, thôn Bài Giữa, xã Lam Cốt (Tân Yên).
Anh Phố cho biết, để được cấp chứng nhận kiểm dịch động vật, cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện như: Có chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (hoặc trang trại phải đủ điều kiện vệ sinh thú y); đàn vật nuôi khỏe mạnh, không có biểu hiện mắc bệnh. Riêng kiểm dịch lợn, bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Sau khi kiểm tra xong mới được chuyển hàng lên xe; thùng xe phải được cán bộ thú y niêm phong; lô hàng được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật mới được chở đến nơi tiêu thụ.
“Theo quy định, gia súc, gia cầm vận chuyển ra ngoại tỉnh mới phải kiểm dịch. Việc di chuyển đàn vật nuôi trên quãng đường dài khiến chúng dễ bị sốc nhiệt, suy yếu hoặc chết, gây thiệt hại cho người dân. Vì thế, phương châm của chúng tôi là cán bộ thú y chờ chủ xe chứ không để chủ xe chờ mình”, anh Phố chia sẻ.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh cho biết, hiện gia đình đang hợp đồng chăn nuôi gà thương phẩm với Công ty TNHH Green Chicken, Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (Hà Nội). Mỗi năm trang trại bán 5 lứa với hơn 5 vạn con gà thương phẩm. Việc kiểm dịch tại chỗ giúp vận chuyển gia cầm đến nơi giết mổ thuận tiện, nhanh chóng, giảm hao hụt, không để gia cầm nhiễm bệnh lây lan sang địa phương khác.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y có 2 trạm gồm: Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông Yên Dũng và Lục Nam, mỗi trạm có 10 nhân viên. Các cán bộ thú y ở đây đều không quản ngày đêm, có mặt kịp thời khi được đề nghị kiểm dịch tại chỗ.
Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh, cán bộ tăng cường cho Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông Yên Dũng chia sẻ, việc đăng ký kiểm dịch tại chỗ phải được chủ chăn nuôi (hoặc chủ hàng) báo trước ít nhất 1 ngày để các trạm bố trí nhân lực.
Riêng trạm trung chuyển lợn của Công ty TNHH ANT (Hà Nội) tại thôn Nguộn, xã Tự Lạn (Việt Yên) tập kết từ 300-400 lợn thương phẩm/ngày và là điểm trung chuyển lớn đi các tỉnh nên Chi cục thường xuyên cử 1 cán bộ kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch tại chỗ giúp doanh nghiệp đưa lợn của bà con đi tiêu thụ nhanh chóng.
Tăng cường phòng, chống dịch động vật
Tính từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm dịch được hơn 7 nghìn chuyến, trong đó, lợn hơn 3,4 nghìn chuyến; gia cầm hơn 2,9 nghìn chuyến; trâu, bò 58 chuyến, còn lại là vật nuôi khác (tổng số hơn 8,66 triệu con); sản phẩm động vật 490 chuyến (hơn 112 tấn)… Việc kiểm dịch động vật tại chỗ đã mang lại hiệu quả tích cực.
Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh kiểm tra đàn lợn trước khi xuất bán tại hộ ông Đặng Văn Lợi, thôn Tân Mới, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang).
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi. Dù vậy, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn rất cao. Bởi Bắc Giang có tổng đàn chăn nuôi lớn, chỉ tính riêng đàn lợn đã đạt 910 nghìn con, đàn gia cầm hơn 20 triệu con, đứng tốp đầu cả nước.
Khoảng 50% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm của tỉnh tiêu thụ ở ngoài tỉnh. So với lượng sản phẩm động vật được bán ra ngoại tỉnh thì số gia súc, gia cầm qua kiểm dịch đạt khá thấp.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm dịch hơn 7 nghìn chuyến. Bao gồm: Lợn hơn 3,4 nghìn chuyến; gia cầm hơn 2,9 nghìn chuyến; trâu, bò 58 chuyến, còn lại là vật nuôi khác (tổng số hơn 8,66 triệu con…). |
Hiện quy định kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh đã bị xóa bỏ nên nhiều chủ hàng lợi dụng “kẽ hở” này trốn tránh kiểm dịch chuyển hàng ra hoặc vào tỉnh. Ngoài ra, nhiều chủ hàng, trang trại chăn nuôi không chấp hành khai báo kiểm dịch.
Việc kiểm dịch động vật trước khi xuất ra ngoài tỉnh của một số địa phương giáp ranh với tỉnh Bắc Giang vẫn còn lỏng lẻo, khiến lượng gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch vào Bắc Giang nhiều. Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y mỏng, không quán xuyến hết địa bàn, công việc.
Dự báo, từ nay đến cuối năm việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh. Vì vậy, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp, UBND các huyện, TP, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch động vật tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm và đầu năm 2023.
Để thực hiện tốt chỉ đạo này, ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đơn vị đã bổ sung kinh phí đấu thầu vắc-xin để tiêm phòng dịch cho đàn vật nuôi. Các huyện, TP sẽ thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng vào tháng 12 tới.
Ngoài số cán bộ tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, Chi cục còn bổ sung thêm 2 cán bộ cho các trạm này nhằm tăng cường hoạt động kiểm dịch. Chi cục cử 4 cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch động vật tỉnh để kiểm tra vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh hiệu quả.
Bài, ảnh: An Khánh
Nguồn: Báo Bắc Giang