Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do vi rút gây ra cho các loài gia cầm, lây lan qua nhiều con đường như vận chuyển gia cầm, di cư của các loài chim hoang dã qua không khí, chất thải, nước, dụng cụ chăn nuôi… Bệnh dễ phát sinh vào thời điểm chuyển mùa, vi rút lây lan rất nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loại gia cầm và một số chủng cúm có thể lây sang người.
Hiện nay, dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là xuất hiện nhiều chủng CGC: A/H5N2, A/H5N8… Đặc biệt, sau 8 năm không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A/H5, ngày 5/10 vừa qua đã có 1 trường hợp người nhiễm vi rút CGC, chủng A/H5 tại Phú Thọ. Trước thực tế đó, với tổng đàn gia cầm trên 14,5 triệu con, hình thức chăn nuôi đa dạng, ngành nông nghiệp, các địa phương và người chăn nuôi chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Chăn nuôi quy mô lớn, anh Phạm Anh Tuấn, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) luôn chú trọng công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại.
Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện 2 ổ dịch CGC A/H5N1 tại thị trấn Kiến Xương và xã Lê Lợi (Kiến Xương), tiêu hủy trên 3.500 con gia cầm. Ngoài ra, kết quả lấy mẫu giám sát chủ động của cơ quan chuyên môn từ tháng 3 đến tháng 10 cho thấy, tỷ lệ lưu hành vi rút CGC chủng A/H5 khá cao, chiếm 2,38%. Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương không lơ là, chủ quan; chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Nhiều năm trở lại đây, anh Phạm Anh Tuấn, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) mở rộng quy mô chăn nuôi gà với tổng đàn gần 40.000 con/năm. Nhận thức rõ tầm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên bên cạnh việc bổ sung chất dinh dưỡng cho gà, anh Tuấn đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng vệ sinh chuồng trại, định kỳ tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Anh cho biết: Ngoài việc chọn mua con giống tại các công ty uy tín, gà con sau khi nhập về được nuôi thả trong chuồng úm 20 ngày để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đàn gà được tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ, riêng đối với CGC, tôi thực hiện tiêm phòng cho gà 2 lần: lần 1 khi gà 21 ngày tuổi, lần 2 sau đó 3 tuần; bảo đảm các chế độ về thức ăn sạch, nước uống sạch… Ngoài ra, chuồng trại cần phải được vệ sinh tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất, vôi bột định kỳ. Trong thời điểm giao mùa, tôi thường xuyên theo dõi đàn gia cầm, khi có hiện tượng dịch bệnh báo ngay với cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, trong đó có cúm gia cầm.
Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Nhận định trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh CGC phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh rất cao do tổng đàn gia cầm của tỉnh lớn (trên 14,5 triệu con); trong đó số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá cao, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh CGC; vi rút CGC lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao; việc giao thương, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng mạnh; thời tiết diễn biến cực đoan làm giảm sức đề kháng của vật nuôi… Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về triển khai các biện pháp phòng, chống CGC, Chi cục tiếp tục duy trì kế hoạch giám sát CGC năm 2022, đặc biệt tại các vùng có nguy cơ cao (cơ sở buôn bán, điểm giết mổ gia cầm…) để kịp thời cảnh báo nguy cơ và hướng dẫn biện pháp xử lý dịch bệnh theo quy định. Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại gốc, phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định; vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại khu vực nuôi gia cầm.
Để ngăn chặn CGC phát sinh, lây nhiễm và gây thiệt hại cho chăn nuôi cũng như sức khỏe con người, yếu tố cốt lõi chính là thực hiện tốt tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát tổng đàn, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh CGC bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn.
Ngân Huyền
Nguồn: Báo Thái Bình