Sản xuất nương rẫy, lúa nước, chăn nuôi gia súc vẫn là một trong những mũi nhọn sản xuất phát triển kinh tế của người dân Kỳ Sơn. Tuy nhiên, sau đợt lũ quét, sạt lở núi, nhiều hộ đã mất ruộng, gia súc, gia cầm bị chết khiến việc phục hồi sản xuất của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi
Tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, sau trận lũ quét xảy ra ngày 2/10/2022, khu sản xuất trước đây là ruộng bậc thang trù phú của người dân bản Sơn Hà và Hoà Sơn nay chỉ còn lại ngổn ngang những đá tảng hàng chục tấn cùng bùn nhão, cây cối. Người dân không chỉ mất ruộng mà ngay cả ao cá và mô hình dịch vụ du lịch sinh thái cũng đã bị xoá sổ, khó có thể phục hồi.
Khu vực sản xuất lúa và nuôi cá của người dân bản Hoà Sơn xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) bị vùi lấp sau lũ quét. Ảnh: Hoài Thu
Ví như khu vực chòi canh nương rẫy và ao cá của ông Vi Văn Thoong ở bản Hoà Sơn trước đây là địa điểm đẹp nhất bản với ruộng lúa bậc thang xanh mướt, ao cá cho thu nhập ổn định thì nay bị các tảng đá khổng lồ và đất cát vùi lấp hoàn toàn. Chị Lầu Y Xò ở bản Sơn Hà lo lắng: “nhiều nương rẫy của gia đình tôi và các hộ xung quanh bị sập xuống khe suối hết rồi, không biết sắp tới làm chi để có cái ăn”.
Không chỉ ở các bản Sơn Hà, Hoà Sơn mà các bản Bình Sơn 1, Bình Sơn 2, bản Cánh của xã Tà Cạ và nhiều xã khác, người dân cũng bị mất rẫy lúa sau khi xảy ra lũ dữ. Ông Moong Văn Thi ở bản Bình Sơn 1 cho biết, ngày xưa, bản làng của ông sinh sống trên núi cao. Đến những năm 1990, Nhà nước vận động các hộ dân xuống vùng khe, suối thấp hơn để thuận tiện cho đời sống, người dân bản Bình Sơn 1 và 2 đã di dời xuống nơi hiện tại đang cư trú, song nương rẫy thì vẫn duy trì ở nơi ở cũ gần với khu vực rẫy sản xuất của người dân bản Sơn Hà, Hoà Sơn. Nay, lũ quét gần hết nương rẫy, hiện gia đình chưa biết phải xoay xở thế nào để khôi phục sản xuất.
Nương rẫy của người dân Kỳ Sơn bị gãy đổ, sạt lở sau lũ. Ảnh cơ sở cung cấp
“Thời gian cuối tháng 9 đầu tháng 10 là thời kỳ lúa ở các nương rẫy của Kỳ Sơn bước vào giai đoạn làm đòng, gặp lúc mưa dài ngày gây thiếu ánh nắng hoặc bị gãy đổ nên hạt lép rất nhiều, nguy cơ cao sẽ không có thu hoạch. Trên địa bàn xã Keng Đu, nhiều ruộng, rẫy lúa lâm vào tình trạng như vậy. Chúng tôi đang tiến hành thống kê diện tích bị thiệt hại” – ông Lương Văn Ngam – Chủ tịch UBND xã Keng Đu cho biết.
Nỗ lực duy trì sản xuất, chăn nuôi
Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, mưa lũ đợt đầu tháng 10/2022 gây sạt lở và đổ rạp 10 ha lúa rẫy của người dân các xã Keng Đu, Na Ngoi, Tây Sơn; khiến 15 ha lúa ruộng của người dân các xã Na Loi, Nậm Cắn, Phà Đánh, Tà Cạ bị san lấp, gây mất mùa gần như hoàn toàn. Trước đó, trong 2 đợt lũ từ ngày 4 đến ngày 12/9, huyện Kỳ Sơn có hơn 50 ha lúa hè thu – mùa bị thiệt hại nặng, chủ yếu tập trung ở các xã Chiêu Lưu, Hữu Lập và Phà Đánh. Thậm chí, nhiều diện tích lúa bị vùi lấp dưới nhiều lớp đất đá khó khôi phục.
Hiện nay dịch tụ huyết trùng trên trâu bò đang đe dọa đàn vật nuôi ở Kỳ Sơn. Ảnh: Hoài Thu
Mưa lũ cũng đã vùi lấp, làm chết 13 con trâu, bò ở các xã Keng Đu, Na Ngoi, Tà Cạ, Phà Đánh và cuốn trôi hàng nghìn con gia cầm, hàng trăm con lợn – vốn là gia sản, là nguồn phát triển kinh tế, công cụ sản xuất nông nghiệp đắc lực của người dân.
Vật nuôi không chỉ chết vì thiên tai, mà thêm vào đó, Kỳ Sơn hiện đã bắt đầu xuất hiện dịch tụ huyết trùng trên trâu bò, đe dọa thiệt hại lớn trên đàn gia súc. Chiều 20/10, ông Lương Văn Ngam – Chủ tịch UBND xã Keng Đu cho biết, xã đang nỗ lực tiêm phòng cho tổng đàn trâu bò gần 500 con để hạn chế số gia súc nhiễm bệnh. Hiện đã có gần 30 con trâu bò chết do bệnh tụ huyết trùng. Chúng tôi đang rất lo lắng về tình trạng trâu, bò nhiễm bệnh sẽ chết hàng loạt, gây tổn thất nặng nề cho người dân, ảnh hưởng đến chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp”.
Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn đang rà soát thống kê số liệu thiệt hại để báo cáo với các cấp, ngành chức năng. Đối với những ruộng lúa, rẫy lúa bị gãy đổ, giao các xã hướng dẫn bà con phục hồi bằng phương pháp thủ công để “cứu” cây trong khả năng có thể. Còn đối với những ruộng lúa bị lép hạt thì đánh giá mức độ giảm sút về năng suất để có hỗ trợ hợp lý và chuẩn bị gieo trồng lại. Đối với những hộ có nương rẫy, ruộng lúa cũng như nhà cửa, tài sản vùng tâm lũ quét đợt tháng 10/2022 bị thiệt hại, trước mắt, chính quyền địa phương căn cứ từng mức độ thiệt hại để phân bố hỗ trợ ban đầu, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống. Về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ tìm phương án di dời, tái định cư đối với những hộ bị ảnh hưởng lũ quét cả về nơi ở và nơi sản xuất.
Bên cạnh khắc phục khó khăn đối với sản xuất lúa nước, lúa rẫy, việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ nhằm hạn chế số trâu bò nhiễm bệnh, chết.
Ông Vi Oanh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết: “Tuần vừa qua, chúng tôi đã phân bổ vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò về cho tất cả các xã để triển khai tiêm đồng loạt. Bên cạnh đó, huyện cũng giao các xã tuyên truyền, nhắc nhở người dân tăng cường thức ăn cho đàn trâu, bò để tăng sức đề kháng với dịch bệnh. Hiện nay, chúng tôi cũng đang giao các xã tiếp tục rà soát, thống kê tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc; thống kê số diện tích lúa bị gãy đổ, bị lép hạt và diện tích nương rẫy, ruộng lúa bị sạt lở, vùi lấp do mưa lũ để báo cáo kịp thời lên cấp trên, đồng thời có phương án hướng dẫn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, cố gắng phục hồi sản xuất”./.
Hoài Thu
Nguồn: Báo Nghệ An