Trong 2 ngày 20 – 21.7, tỉnh Bình Ðịnh triển khai thí điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi giai đoạn 1 cho 905 con heo ở các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Cho đến nay, số heo được tiêm chủng vẫn ổn định. Mũi vắc xin thứ 2 dự kiến sẽ tiêm từ ngày 11 – 12.8 tới.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lựa chọn 24 địa phương tham gia thí điểm kế hoạch giám sát chất lượng và sử dụng vắc xin NETVET – ASFVAC phòng bệnh dịch tả heo châu Phi của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) giai đoạn 1, trong đó có tỉnh Bình Định.
Trong giai đoạn 1, Công ty CP Navetco sản xuất 600 nghìn liều thí điểm giám sát chất lượng vắc xin. Công ty phối hợp với các địa phương chọn đàn để tiêm với nhiều quy mô: Dưới 500 con, từ 500 – 1.000 con, từ 1.000 – 5.000 con và trên 5.000 con. Đối tượng heo lựa chọn tiêm là từ 8 – 12 tuần tuổi tại các cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, có hợp đồng giám sát lấy mẫu và kiểm tra hiệu quả của vắc xin sau tiêm phòng. Công ty Navetco công bố giá vắc xin thương mại là 36.015 đồng/liều, người chăn nuôi mua 100%. Trong quá trình triển khai tiêm thí điểm, công ty cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cùng đứng chân địa bàn, giám sát chặt chẽ quá trình, diễn biến trước, trong và sau tiêm để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Giai đoạn 1, ngành chức năng lựa chọn các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tham gia thí điểm. Ảnh: THU DỊU
Sau khi triển khai tiêm thí điểm giai đoạn 1, hiện các địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp với Chi cục, trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) giám sát hiệu quả vắc xin và các diễn biến trên số heo đã được tiêm chủng để cung cấp thông tin đánh giá hiệu quả của vắc xin.
“Đợt đầu tiên gia đình tôi tiêm cho 50 con heo thịt trong độ tuổi từ 8 – 12 tuần. Qua theo dõi, số heo đã tiêm ăn uống tốt, hoạt động bình thường. Thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, giai đoạn 21 ngày sau tiêm, chúng tôi tập trung theo dõi diễn biến của đàn heo, nếu có dấu hiệu khác thường thì liên hệ với lực lượng thú y để xử lý. Dự kiến, qua đầu tháng 8, tôi tiêm mũi 1 cho 50 con heo thịt nữa; đồng thời lấy mẫu số đã tiêm mũi 1 cho ngành chức năng phân tích, đánh giá”. Ông TRẦN ANH TUẤN (thị trấn Tăng Bạt Hổ, Hoài Ân), 1 trong 4 chủ cơ sở đăng ký tiêm khảo nghiệm vắc xin NETVET – ASFVAC |
Ghi nhận tại huyện Hoài Ân, một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn trong tỉnh, đến nay tình hình đàn heo tham gia thí điểm vẫn ổn định. Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Hoài Ân, trước khi có lịch tiêm phòng chính thức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với Trung tâm tổ chức gặp mặt các cơ sở đủ điều kiện đăng ký tiêm vắc xin, trao đổi, tư vấn và giải đáp những vướng mắc của người dân; sau khi tiêm phòng, tiếp tục kết nối thường xuyên để đánh giá chính xác sức khỏe của đàn heo.
Tại Phù Cát, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Văn Lê cho biết, huyện chỉ có 1 trang trại chăn nuôi quy mô lớn đủ điều kiện tham gia thí điểm tiêm phòng bệnh dịch tả heo châu Phi. Hiện nay, huyện vẫn tiếp tục vừa rà soát, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi vừa ghi nhận ý kiến của người chăn nuôi để báo cáo ngành chức năng nhằm đưa ra những thông tin đầy đủ, kịp thời để người chăn nuôi an tâm.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Điều đáng mừng là đến nay 905 con heo đã được tiêm phòng vắc xin NETVET – ASFVAC phòng bệnh dịch tả heo châu Phi của Công ty Navetco giai đoạn 1 đều cho phản ứng tốt, thể trạng
bình thường.
Vắc xin thương mại NETVET – ASFVAC phòng bệnh Dịch tả heo châu Phi của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco có giá 36.015 đồng/liều.
Với những bệnh do vi rút gây ra trên đàn vật nuôi, tiêm vắc xin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, để việc thí điểm tiêm vắc xin đạt kết quả tốt phải có sự chuẩn bị chu đáo giúp người chăn nuôi an tâm, chủ động phối hợp thực hiện. Do vậy, cùng với việc rà soát lập danh sách, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung vào tuyên truyền cho người dân; minh bạch các thông tin liên quan đến hiệu quả của vắc xin, tỷ lệ phòng bệnh; nguy cơ về tác dụng phụ… Việc càng minh bạch thông tin liên quan tới vắc xin giúp người chăn nuôi định lượng được mức độ an toàn, nhận diện được các nguy cơ rủi ro, từ đó giúp chủ động hơn trong tham gia tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Thu Dịu
Nguồn: Báo Bình Định