Theo Kết luận số 368-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, mục tiêu chung là xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Qua đó tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Kết luận nêu rõ: Trong những năm qua, cùng với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và các định hướng đúng đắn, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước phát triển nhanh, trở thành ngành sản xuất hàng hóa đóng góp ngày càng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp… Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn có sự đan xen chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ với các cơ sở chăn nuôi tập trung; các mầm bệnh nguy hiểm như vi rút cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc vẫn chưa được kiểm soát triệt để; do đó, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn có nhiều nguy cơ xảy ra. Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi của tỉnh cần được phát triển một cách bền vững, hiệu quả, hướng đến cung cấp những sản phẩm chất lượng, an toàn và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Hợp tác xã chăn nuôi đại gia súc Bù Đốp chủ động vệ sinh chuồng trại và kiểm soát nguồn thức ăn để phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò – Ảnh: Đông Kiểm
Theo đó, mục tiêu cụ thể đặt ra giai đoạn 2021 – 2030 đối với gia cầm: 11 huyện, thị xã, thành phố đạt an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và niu-cát-xơn trên gà theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có 6 huyện, thành phố gồm: Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE. Đối với gia súc: 11 huyện, thị xã, thành phố đạt an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng trên gia súc và bệnh dịch tả lợn cổ điển trên lợn theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có 6 huyện, thành phố gồm: Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Kết luận số 368-KL/TU cũng đã đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Cụ thể là: Tập trung chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng bệnh, nâng cao năng lực dự báo, kiểm tra và giám sát an toàn sinh học trên đàn gia súc, gia cầm. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quản lý vận chuyển, kiểm soát giết mổ và giám sát an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát, quản lý đối với động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập tỉnh theo quy định; rà soát, triển khai thực hiện mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhà máy giết mổ và thường xuyên giám sát hoạt động giết mổ, điều kiện vệ sinh thú y của cơ sở giết mổ. Xây dựng kế hoạch dự phòng để ứng phó khi phát hiện các trường hợp động vật nhiễm mầm bệnh, mắc bệnh, sản phẩm động vật nhiễm mầm bệnh đã được công nhận an toàn dịch bệnh. Nâng cao năng lực, kiện toàn bộ máy hệ thống thú y của tỉnh đảm bảo hoạt động hiệu quả trong công tác quản lý chăn nuôi, thú y và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong vùng an toàn dịch bệnh, trong đó: Xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu, tài liệu, thông tin liên quan đến các hoạt động xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc, chứng minh cho việc xây dựng và quản lý vùng an toàn dịch bệnh; ứng dụng công nghệ trong quản lý vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.
Bảo Ngọc