Nhằm ứng phó với nắng nóng kéo dài, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp chống nắng nóng, tránh gây thiệt hại về kinh tế và các nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn lợn thịt 550 con của gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh ở thôn 1 – Bồng Giang, xã Đức Giang (Vũ Quang) phát triển tốt.
Gia đình ông Nguyễn Tiến Mạnh ở thôn 1 – Bồng Giang, xã Đức Giang là một trong những hộ chăn nuôi lợn lâu năm với quy mô lớn trên địa bàn Vũ Quang. Bước vào mùa nắng nóng, gia đình ông Mạnh chủ động rà soát lại chuồng trại chuẩn bị các biện pháp chống nóng và đảm bảo thức ăn, nước uống đầy đủ cho đàn lợn thịt 550 con của gia đình.
Ông Mạnh cho biết: “Những ngày nắng nóng kéo dài, hệ thống quạt thông gió và giàn mát bằng hơi nước trong chuồng phải chạy hết công suất để thổi hơi nóng, khí độc sinh ra từ chất thải vật nuôi ra bên ngoài và ổn định nhiệt độ cũng như độ ẩm thường xuyên. Ngoài ra, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại 1 – 2 lần/ngày cho đàn lợn nhằm giảm nhiệt, tạo không gian thoáng mát và hạn chế các tác nhân truyền nhiễm và gây bệnh”.
Hệ thống làm mát giúp giảm nhiệt, tạo không gian thoáng mát cho khu vực nuôi.
Cũng theo ông Mạnh, bước vào mùa nắng nóng, để tiện cho việc chăm sóc đàn lợn, ông luôn theo dõi các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, từ đó chủ động trong việc cân bằng chế độ dinh dưỡng cũng như giữ nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp, bảo đảm cho đàn lợn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.
“Nếu trời quá nắng nóng, tôi vệ sinh chuồng trại 3 lần trong ngày, bơm nước lên khắp thành, sàn chuồng giúp giảm nhiệt. Nguồn nước vệ sinh chuồng trại là nước giếng sạch, nước thải được xử lý bằng hệ thống bể biogas để tránh ô nhiễm môi trường” – ông Mạnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Nhân ở thôn Liên Hoà (xã Đức Liên, Vũ Quang) tăng khẩu phần ăn cho đàn trâu, bò trong những ngày nắng nóng.
Với kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò lâu năm, bà Nguyễn Thị Nhân ở thôn Liên Hòa (xã Đức Liên, Vũ Quang) cho biết: "Đặc tính sinh lý của trâu, bò là chịu nắng, nóng kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng vật nuôi sẽ dễ phát sinh dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp. Do đó, những ngày nắng nóng kéo dài gia đình đã chủ động tăng lượng thức ăn xanh, chất đạm và bổ sung vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn; cung cấp thêm nước uống để giảm nhiệt cho cơ thể vật nuôi”.
Cũng theo bà Nhân, trong suốt mùa hè, các hộ nuôi cần thực hiện phun mưa làm giảm nhiệt độ nóng trong chuồng và làm mát cho cơ thể đàn trâu, bò. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc để tăng cường khả năng miễn dịch.
Thả vật nuôi ở những khu vực thoáng mát cũng là cách giúp đàn vật nuôi có điều kiện phát triển tốt trong mùa nắng.
Có mặt tại khu chuồng trại chăn nuôi hươu của gia đình anh Nguyễn Khắc Huân ở thôn Đông (xã Sơn Châu – Hương Sơn), chúng tôi mới cảm nhận được hết sự lo lắng của gia đình anh về sự phát triển của đàn hươu 70 con của gia đình anh trong đợt nắng nóng này.
Anh Huân cho biết: "Hươu là vật nuôi khó tính, nên khi thời tiết nắng nóng, khô khốc, nhiệt độ tại các chuồng nuôi tăng cao khiến môi trường sinh sống của hươu bị ảnh hưởng. Những ngày nắng nóng cực điểm, chúng không háu ăn như những ngày bình thường”.
Gia đình anh Nguyễn Khắc Huân ở thôn Đông (xã Sơn Châu – Hương Sơn) bổ sung nước thường xuyên cho đàn hươu.
Trước tình trạng trên, nhiều ngày qua gia đình anh Huân đã che chắn thêm cho các chuồng nuôi, đặc biệt là đầu tư chi phí lợp tôn xốp để “giải nhiệt” cho đàn hươu; chia khẩu phần ăn ra nhiều bữa, đặc biệt là tăng cường thêm nước uống cho hươu.
Người dân xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên chăm sóc đàn gà mùa nắng nóng.
Những ngày cao điểm, gia đình anh còn tăng cường thêm cả quạt điện để tạo môi trường thông thoáng cho đàn hươu.
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp phòng chống nắng nóng và dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng vật nuôi. Vào những ngày nắng nóng gay gắt, người dân nên cho vật nuôi ăn nhiều bữa trong ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, hạn chế cho ăn buổi trưa khi trời nắng nóng; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa…; tắm cho gia súc 1 – 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể, không nên tắm cho gia súc vào buổi trưa và lúc nắng nóng.
Toàn tỉnh hiện có gần 70 nghìn con trâu, 170 nghìn con bò, 400 nghìn con lợn và gần 10 triệu con gia cầm.
Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Để duy trì, phát triển ổn định hoạt động chăn nuôi trong những ngày thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân cần chú ý hạ nhiệt, làm mát chuồng trại, cung cấp đủ nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, có bổ sung vi lượng cần thiết cho vật nuôi. Ngoài ra, cần thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện sớm các loại gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời”.