Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh rất cao. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.
Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển khá ổn định. Cụ thể: Đàn trâu có gần 27.600 con, đàn bò trên 33.100 con, đàn lợn gần 268.000 con, đàn gia cầm 4,1 triệu con. Tình hình bệnh dịch trên vật nuôi được kiểm soát. Các bệnh trên gia súc, gia cầm khác xảy ra lẻ tẻ tại các địa phương, không lây lan phát sinh thành dịch. Công tác tiêm phòng vắc-xin tiếp tục được đảm bảo.
Đàn lợn của hộ anh Nguyễn Văn Duy (thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TX Đông Triều) được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm.
Tại Bình Liêu, ngay từ đầu năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp xây dựng và ban hành sớm kế hoạch tổ chức tiêm phòng, bố trí kinh phí để tổ chức triển khai mua vắc-xin, hóa chất, vật tư; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức ra quân đồng loạt tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh gia súc, gia cầm đợt I/2022 từ 1/3-30/4, triển khai tiêm bổ sung trong tháng 5. Kết quả, trong đợt 1, huyện Bình Liêu đã tiêm trên 3.100 liều vắc-xin lở mồm long móng cho trâu, bò, lợn giống; gần 2.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; trên 2.700 liều vắc-xin viêm da nổi cục trâu, bò; trên 44.100 liều vắc-xin cúm gia cầm. Đồng thời, tiếp nhận và cung ứng 1.244 lít hóa chất tiêu độc khử trùng để các xã, thị trấn thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường và định kỳ phòng chống các bệnh truyền nhiễm trên vật nuôi.
Còn huyện Vân Đồn hiện có gần 9.200 con gia súc, gia cầm, tăng 22,1% so với thời điểm này năm 2021; gia cầm khoảng 88.200 con, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021. Theo ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT, trong tháng 5, do thời tiết có những thay đổi thất thường nên tỷ lệ mắc bệnh ở gia súc, gia cầm tăng, chủ yếu là bệnh tiêu chảy ở gia súc non, bệnh tụ huyết trùng lợn. Tuy nhiên, những gia súc, gia cầm mắc bệnh đã được các thú y viên cơ sở điều trị, hướng dẫn, xử lý kịp thời nên trên địa bàn huyện không xảy ra bệnh dịch lớn. UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và triển khai công tác tiêm phòng đợt 1 đến tận các hộ dân. Mặc dù vậy, công tác triển khai tiêm vắc-xin đợt 1 năm 2022 vẫn chậm so với kế hoạch được giao. Hiện phòng tích cực chỉ đạo các địa phương nhanh chóng hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho vật nuôi trong tháng 6 này.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) để đạt hiệu quả cao nhất, các địa phương nên triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh 2 đợt/năm cho đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, đợt 1 vào tháng 3, 4 và đợt 2 vào tháng 9, 10. Đây là thời điểm thích hợp để phòng bệnh cho 2 vụ nuôi chính. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần duy trì dự trữ 10% lượng vắc-xin dự phòng theo kế hoạch tỉnh giao, để phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch trong trường hợp có các ổ dịch xảy ra tại địa phương; đảm bảo có nguồn vắc-xin cung ứng dịch vụ cho các hộ có nhu cầu, để tiêm phòng bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới.
Để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đưa ra các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc với từng loại gia súc, gia cầm. Cụ thể, với đàn trâu, bò, tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, viêm da nổi cục; đàn lợn, tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, bệnh tai xanh; đàn gà, vịt, tiêm phòng bệnh cúm gia cầm; đàn chó mèo, tiêm phòng bệnh dại…
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ tháng 3 đến tháng 5/2022, các địa phương trong tỉnh đã tiêm trên 1,6 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm, đạt 31% kế hoạch năm; vắc-xin tai xanh trên 21.500 con, đạt 48% kế hoạch năm; vắc-xin lở mồm long móng gia súc được 48.500 con, đạt 29% kế hoạch năm; vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò được 23.042 con, đạt 47,5% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh vẫn còn ở mức độ thấp. Nguyên nhân chủ yếu là trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chủ động khai báo số gia cầm nuôi bổ sung, tái đàn để đăng ký mua vắc-xin và tiêm bổ sung; việc rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn và tiêm phòng bổ sung cho gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới sau các đợt tiêm phòng chính vụ chưa được thực hiện triệt để.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt yêu cầu bảo hộ dịch bệnh thì tỷ lệ tiêm phòng phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp xử lý ổ dịch, bao gồm cách ly ngay động vật mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, vứt xác động vật mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.
Hoàng Quỳnh