Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn

(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi an toàn dịch bệnh đang được nhiều tỉnh đẩy mạnh triển khai và nhân rộng tại các cơ sở chăn nuôi. Đây cũng là giải pháp quan trọng để hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên cả nước.

Tỉnh điển hình

Bắt tay vào xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh từ khá sớm, đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã trở thành vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh với nhiều bệnh nguy hiểm.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh, Thành phố bắt tay vào xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh từ khá sớm. Năm 2006 – 2008, Thành phố bắt tay xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở cấp xã đối với bệnh dại. Sau bệnh dại, bắt tay vào xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lao và bệnh sảy thai truyền nhiễm trên bò sữa. Thành phố chọn 2 bệnh này vì là nơi cung cấp con giống bò sữa cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước, 2 bệnh này cũng có khả năng lây lan sang người, sản phẩm sữa lại được sử dụng nhiều cho người già và trẻ em.

Đến năm 2011, TP. Hồ Chí Minh đã được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước đối với bệnh lao và bệnh sảy thai truyền nhiễm trên bò sữa. Việc trở thành vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lao và bệnh sảy thai truyền nhiễm trên bò sữa không chỉ giúp cho đàn bò sữa ở Thành phố phát triển ổn định mà còn là tiền đề quan trọng để xuất khẩu sữa ra nước ngoài.

chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Hiện cả nước có 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Ảnh- I.T

Bệnh thứ 4 mà TP. Hồ Chí Minh chọn để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là cúm gia cầm. Đến năm 2021, TP. Hồ Chí Minh là tỉnh, thành đầu tiên của cả nước xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh ở cấp tỉnh với cúm gia cầm. Như vậy đến nay, Thành phố là vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh với 4 bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi.

Nhờ có kinh nghiệm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã ứng phó tốt với Dịch tả heo châu Phi (ASF). Ông Phát cho biết, đầu năm 2020, Thành phố đã triển khai ngay việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với ASF, khởi đầu từ những cơ sở sản xuất heo giống, bởi Thành phố là nơi sản xuất con giống heo và cung cấp cho nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, ngành thú y Thành phố đã hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi heo cải tạo chuồng chăn nuôi từ dạng chuồng hở sang chuồng kín nhằm đảm bảo an toàn sinh học, đồng thời áp dụng các biện pháp khác để kiểm soát ASF. Nhờ đó, Thành phố đã kiểm soát rất tốt ASF ở các trang trại, nhất là trang trại giống.

Với một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm khác là lở mồm long móng, TP. Hồ Chí Minh cũng đã bắt tay vào xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Đến nay, Thành phố đã xây dựng được 89 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng. Nhiều khả năng vào cuối năm nay, TP. Hồ Chí Minh sẽ làm hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận là vùng an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng.

 

Nhân rộng thành vùng

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh, để tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi và đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác cần tiếp tục giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trước hết phải có quy hoạch ổn định cho chăn nuôi để doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư, hình thành những cơ sở chăn nuôi lớn, áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết vùng, tiên lượng được vấn đề thị trường để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi.

TS. Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Văn phòng thường trực tại Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, để đẩy mạnh xây dựng, duy trì vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cần khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia vào các hợp tác xã. Việc hình thành các hợp tác xã chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn cho công tác quản lý và xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.

Trong giai đoạn 2022 – 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và chuẩn bị triển khai 11 dự án liên quan đến xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Những dự án này được thực hiện ở nhiều địa phương. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Văn Bắc, các địa phương đang hướng tới việc hình thành các vùng an toàn dịch bệnh cần dành một phần kinh phí để tham gia thực hiện những dự án này, qua đó, giúp cho việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh được nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Cũng liên quan đến việc nhân rộng kết quả các dự án khuyến nông về xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, TS. Nguyễn Văn Bắc cho rằng, từ kết quả các dự án thu được, cần chú trọng đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn dinh dưỡng, chuồng trại, hạch toán ghi chép theo dõi sổ sách, đặc biệt là kỹ thuật phòng, trị bệnh. Đồng thời triển khai một cách đồng bộ và thay đổi nhận thức, tập quán của người chăn nuôi, giúp người tham gia mô hình tiếp tục duy trì và mở rộng chăn nuôi, người ngoài mô hình được thăm quan, học tập các mô hình có hiệu quả để nhân rộng mô hình trong thực tiễn sản xuất…

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh cho biết, hạt nhân chính trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong chăn nuôi là các cơ sở chăn nuôi. Chúng ta phải khởi phát từ cơ sở, làm sao để cơ sở chăn nuôi thấy được lợi ích từ việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, từ đó mới tạo tiền đề, nhân rộng mô hình và hình thành được vùng an toàn dịch bệnh.

Anh Vũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *