Con giống là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng và hiệu quả của ngành chăn nuôi. Những năm qua, tỉnh rất chú trọng đảm bảo chất lượng, nguồn cung con giống đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 333 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó 211 trang trại quy mô nhỏ, 117 trang trại quy mô vừa, 5 trang trại quy mô lớn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 65.796 tấn/năm. Diện tích mặt nước nuôi thủy sản hơn 2.100 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh 70.000 m3; sản lượng thủy sản ước đạt 10.500 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có 4 trang trại thủy sản đạt tiêu chí kinh tế trang trại có doanh thu đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên.
Với mục tiêu phát triển bền vững ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân tập trung khai thác lợi thế trong chăn nuôi, chủ động và nâng cao chất lượng con giống.
Đầu tư nuôi lợn gần chục năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Nga, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) rút ra kinh nghiệm phải đầu tư chăn nuôi khép kín, sử dụng con giống chất lượng thì sản xuất mới có lãi. Chị Nga cho biết: Tôi còn nhớ năm 2017, có 50 con lợn thịt của gia đình bị chết vì dịch bệnh, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Nguyên nhân là do con giống mua của thương lái có mầm bệnh. Vì vậy, năm 2019, sau khi mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, thay vì mua lợn giống như trước đây, tôi duy trì nuôi lợn nái để tự chủ con giống. Hiện gia đình tôi có 10 con lợn nái, 1 con lợn đực, hơn 50 con lợn thịt, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Các cơ sở chăn nuôi chủ động con giống bằng việc duy trì đàn lợn nái.
Xã Trì Quang (Bảo Thắng) đang phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản. Diện tích ao nuôi toàn xã đạt hơn 60 ha, sản lượng hơn 250 tấn/năm, giá trị kinh tế đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm, doanh thu từ thủy sản chiếm gần 40% tổng thu nhập hằng năm của địa phương. Điều khiến Trì Quang phát triển nghề nuôi thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn như hiện nay là nhờ tìm được nguồn con giống chất lượng cao đưa vào sản xuất.
Anh Phạm Văn Khoa, thôn Quang Lập, xã Trì Quang cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi cá quảng canh, không chú ý đến nguồn con giống nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Do mua cá giống từ thương lái bán rong nên tỷ lệ sống không cao, cá tăng trưởng chậm. Từ khi được cán bộ khuyến nông tư vấn, tôi tìm đến Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản tại xã Võ Lao (Văn Bàn). Qua vụ đầu tiên, cá đạt tỷ lệ sống trên 90%, nhanh lớn. Nhờ tìm được nguồn con giống tốt, đến năm 2019, gia đình tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa. Hiện mỗi năm gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nuôi cá.
Là đơn vị cung cấp nguồn giống thủy sản chủ lực trên địa bàn, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các trại sản xuất giống thủy sản đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất con giống đảm bảo số lượng và chất lượng cho nhu cầu nuôi thủy sản hàng hóa của người dân. Năm 2022, trung tâm dự kiến cung ứng cho các hộ nuôi trong, ngoài tỉnh từ 8 đến 10 triệu con giống các loại.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết: Trung tâm chú trọng tuyển chọn cá bố mẹ đạt chất lượng đưa vào nuôi vỗ. Qua nhiều năm nghiên cứu, trung tâm đã làm chủ công nghệ “điều khiển” cá sinh sản theo ý muốn. Với công nghệ hiện đại, không để cá sinh sản tự do theo tự nhiên mà theo nhu cầu thị trường. Dựa trên đơn đặt hàng và nhu cầu về con giống, trung tâm sẽ tính toán cụ thể quá trình sinh sản cho cá, cá sẽ sinh sản đúng ngày, giờ và cho ra những mẻ cá giống vào đúng thời điểm mong muốn.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn đều chủ động sản xuất con giống theo quy trình khép kín. Một số trang trại đã đầu tư chuyên về sản xuất con giống với quy mô lớn như Hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền (Bảo Thắng) với 25 cơ sở chăn nuôi lợn đực giống, quy mô từ 20 đến 30 con/hộ, chủ yếu là lợn ngoại khai thác, truyền tinh nhân tạo. Số lượng con giống lợn tự chủ trong tỉnh đạt trên 98%.
Về giống thủy sản nước ấm, năm 2022, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 2.100 ha, định hướng đến năm 2030 là 2.480 ha, nhu cầu khoảng 48 triệu con giống các loại, trong khi năng lực sản xuất con giống chất lượng chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Đối với giống cá nước lạnh, hầu hết cơ sở nhập trứng và tổ chức ương nuôi tại thị xã Sa Pa, sau đó cung ứng cho các địa phương trong tỉnh. Về giống gia cầm phục vụ chăn nuôi hàng hóa chủ yếu được nhập từ địa phương khác thông qua 40 cơ sở kinh doanh giống gia súc, gia cầm tại các địa phương trong tỉnh.
Việc sản xuất, cung ứng nguồn con giống trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn mua con giống tại các chợ dân sinh, dẫn đến giảm chất lượng, hiệu quả sản xuất. Nhiều trường hợp do nhập con giống không đảm bảo khiến dịch bệnh phát sinh và lây lan, làm thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi…
Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, chi cục đã và đang đẩy mạnh chương trình phát triển, nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ chăn nuôi. Trong đó, ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, bám sát kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Thực hiện nghiêm việc quản lý các cơ sở kinh doanh giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường bảo tồn các nguồn gen đối với một số vật nuôi bản địa chất lượng cao (lợn đen, gà đen…), phục vụ việc nghiên cứu, chọn tạo giống.
Kim Thoa
Nguồn: Báo Lào Cai