(Người Chăn Nuôi) – Newcastle là một bệnh nguy hiểm đối với chim bồ câu ở mọi lứa tuổi với biểu hiện đặc trưng là xuất huyết, viêm loét đường tiêu hóa.
Nguyên nhân
Bệnh Newcastle do RNA của virus Paramyxovirus gây ra. Virus dễ dàng bị loại bỏ bởi các chất khử trùng thông thường nhưng có thể sống sót nhiều năm trong môi trường mát mẻ, ẩm ướt.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp và tiêu hóa khi tiếp xúc với bồ câu mắc bệnh.
Triệu chứng và bệnh tích
Thời gian ủ bệnh Newcastle trên chim bồ câu thường khoảng 7 – 15 ngày. Bệnh phân chia thành nhiều mức độ.
Quá cấp tính: Là giai đoạn thường xảy ra khi bắt đầu bùng phát, bệnh phát triển rất nhanh, sau vài giờ ủ rũ rồi chết mà không có biểu hiện của bệnh. Bệnh tích không biểu hiện rõ, có dấu hiệu xuất huyết ở ngoại tâm mạc, màng ngực, cơ quan hô hấp.
Cấp tính: Chim bồ câu có biểu hiện sốt 42 – 430C, sổ mũi, khó thở, thối và bầm tím, chảy nước mũi, suy nhược, ăn ít, uống nhiều, nhăn lông. Chim bị bệnh về đường tiêu hóa, thức ăn trong diều không tiêu hóa được và bị lỏng ra do lên men Chim bệnh khi dốc ngược thấy có nước chảy ra. Vài ngày sau khi nhiễm bệnh Newcastle thì chim bị tiêu chảy. Phân chim có màu nâu sẫm, trắng xanh hay trắng xám. Niêm mạc hậu môn xuất huyết thành những tia đỏ. Chim bồ câu trưởng thành triệu chứng hô hấp không thấy rõ như ở chim non. Ở thời kỳ sinh sản chim đẻ sản lượng trứng giảm hoặc ngừng để hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh 7 – 21 ngày. Xoang mũi và miệng đều chứa dịch nhớt màu đục. Niêm mạc miệng, mũi, khí quản sưng xuất huyết.
Bồ câu bị chết nhanh sau vài giờ ủ rũ
Mãn tính: Xảy ra vào thời điểm cuối ổ dịch. Ở chim xuất hiện triệu chứng rối loạn thần kinh, tổn thương cơ quan vận động. Chim bệnh vặn đầu ra sau, đi giật lùi hình vòng tròn. Mổ không trúng thức ăn. Khi có kích thích thì xảy ra những cơn co giật. Một số bệnh tích điển hình như: Niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết màu đỏ, tròn bằng đầu đinh ghim; Các điểm xuất huyết có thể tập trung thành từng vệt; Dạ dày cơ bị xuất huyết; Ruột non cũng xuất huyết và viêm; Trong trường hợp bệnh kéo dài có thể có những nốt loét hình tròn; Trường hợp bệnh nặng nốt loét có thể lan xuống ruột già, ruột non; Gan có một số đám thoái hóa mỡ nhẹ màu vàng; Thận bị phù nhẹ và có màu nâu xám; Xuất huyết bao tim, xoang ngực, bề mặt xoang ức; Xuất huyết dịch hoàn, buồng trứng thành từng vệt từng đám và bị dập vỡ.
Trị bệnh
Sử dụng kháng thể Gum với liều 1 ml/con. Có thể tiêm lặp lại khi chim khỏi bệnh sau 5 ngày. Sau đó, dùng vaccine phòng bệnh Newcastle nhỏ cho cả đàn chim, liều lượng 1 – 2 giọt/con. Kết hợp với cho chim uống các thuốc trợ sức trợ lực và nâng cao sức để kháng như: Hanmuvit, B – Complex, thuốc điện giải. Đồng thời, sử dụng kháng sinh để chống bội nhiễm như: Genta – Costrim; Tyb50… Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Phòng bệnh
Tiêm phòng vaccine đầy đủ để đàn bồ câu được bảo hộ tốt nhất. Việc phòng bệnh Newcastle cho bồ câu bằng vaccine được thực hiện rất sớm.
Đối với chim bồ câu non 1 – 10 ngày tuổi: Cần nhỏ thuốc phòng bệnh Newcastle cho chim. Đồng thời cho bồ câu bố mẹ uống thêm vitamin như điện giải, đường Glucose nhằm tăng sức đề kháng cho bồ câu.
Đối với bồ câu 20 – 30 ngày tuổi: Để phòng bệnh Newcastle hay bệnh đường tiêu hóa, cần cho uống kháng thể Gumboro, IB.
Đối với chim 40 – 60 ngày tuổi: Tăng cường miễn dịch bằng cách nhỏ vaccine Newcastle lần 2.
Đối với chim bố mẹ: Thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh Newcastle 1 – 2 lần/năm.
Định kỳ 2 lần/tháng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sửa chữa và làm mới chỗ hư hỏng, cạo sạch phân, thay ổ đẻ, phun thuốc sát trùng chuồng.
Hàng ngày nên vệ sinh máng ăn, máng uống để tránh cho chim bồ câu uống phải nước bẩn, nước đã lên men do cặn thức ăn đọng lại trong máng. Ngoài ra cần chu ý, lồng vận chuyển chim bồ câu cũng là nguồn lây nhiễm bệnh, vì ở chuồng có chim bồ câu bị bệnh và chết thì dễ dàng lây nhiễm bệnh sang chuồng khác. Do đó, lồng khi dùng để vận chuyển chim mới cần phải được lau rửa sát trùng cẩn thận.
Hạn chế cho chim lạ vào chuồng. Tránh để phân chim vương vãi ra mọi nơi. Phòng tránh chuột, mèo, chó… tấn công chim.
Lê Loan