Chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được nhiều việc làm và ổn định cuộc sống cho người dân. Dựa vào các lợi thế sẵn có, huyện Tuy Đức đang hướng tới xây dựng các vùng chăn nuôi bò tập trung, quy mô hàng hóa.
Gia đình chị Yran, bon Bu Prăng 2A, xã Quảng Trực (Tuy Đức) bắt đầu nuôi bò từ năm 2011. Gia đình vừa nuôi bò giống, vừa nuôi bò thịt. Hiện nay, đàn bò của gia đình chị duy trì 7 con, trong đó 3 con bò sinh sản. Đầu mùa khô này, chị bán 3 con bò thịt, thu về 55 triệu đồng.
Chị Yran chăn nuôi bò theo hình thức thả rông để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Mỗi ngày, chị dẫn bò đến các bãi đất trống, rẫy bỏ hoang… để cho bò ăn cỏ, chiều tối đưa về.
"Chăn nuôi bò vừa có nguồn thu nhập, vừa có phân bò để bón cho cà phê, mắc ca. Gia đình tôi sẽ mở rộng thêm quy mô đàn bò để tăng thu nhập", chị Yran chia sẻ.
Chị Yran cùng với 2 người em trong gia đình liên kết, đổi công để chăn bò. Hiện nay, đàn bò của 3 chị em lên tới 27 con. Ngoài ra, đàn bò được nhốt chung 1 chuồng giúp các gia đình không tốn chi phí đầu tư chuồng nuôi.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Hải, ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, đã chăn nuôi bò hơn 10 năm nay. Anh Hải chăn nuôi theo hình thức tận dụng công lao động, thức ăn từ sản xuất nông nghiệp.
Theo anh Hải, chăn nuôi bò ít rủi ro về dịch bệnh hơn các loại vật nuôi khác. Bò sinh sản sau 3 tháng bán được khoảng 20 triệu đồng/con. "Tôi vừa bán 3 con gần 60 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập thêm ngoài cà phê, hồ tiêu, mắc ca", anh Hải cho biết.
Chăn nuôi bò giúp người dân khai thác được những lợi thế sẵn có tại địa phương
Xã Quảng Trực có đàn bò sinh sản và bò thịt gần 1.000 con. Thời gian qua, nhờ đầu ra, giá ổn định, nên nhiều người dân địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò.
Việc chăn nuôi bò đã khai thác, tận dụng hiệu quả nguồn thức ăn sẵn có từ phế phẩm nông nghiệp, các đồng cỏ tại địa phương. Chăn nuôi bò cũng giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho nhiều người.
Theo ông Phạm Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, trước đây, Dự án ổn định dân di cư vùng biên giới đã cấp cho 150 hộ tổng cộng 300 con bò để chăn nuôi.
Bà con đã phát triển đàn bò này ổn định. Nhiều gia đình có bò sinh sản tốt, nên số lượng bò tăng lên. Chăn nuôi bò đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương thời gian qua.
Xã Quảng Trực đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, giúp người dân chăn nuôi bò theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, huyện Tuy Đức đang có đàn bò khoảng 4.000 con. Với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện chọn Quảng Trực là một trong những vùng phát triển chăn nuôi bò tập trung, quy mô lớn.
Huyện định hướng chăn nuôi bò hướng thịt, trở thành ngành sản xuất chính, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho các hộ nông dân tại địa phương.
Huyện Tuy Đức đang tích cực hướng dẫn người dân quy trình phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, cải tạo con giống để nâng cao chất lượng đàn bò.
Cùng với đó, địa phương triển khai các chương trình hỗ trợ, kết nối tiêu thụ bò giống, bò thịt khi vùng chăn nuôi được mở rộng. Từ đó, giúp người dân phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.
Bài, ảnh: Đức Hùng
Nguồn: Báo Đắk Nông