Lưu Duy Đông khởi nghiệp từ nuôi chim cảnh

Xác định chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cho người chăn nuôi và nhân công lao động địa phương là hướng đi của Lưu Duy Đông, tổ 7, thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang với mô hình chăn nuôi chim công, gà gô trắng và chim trĩ. Đây là mô hình khởi nghiệp được xem là khá độc đáo nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được xem là hướng đi đúng đắn, nhưng cũng rất gian truân để có sự thành công hôm nay của Đông.

Làm trong cơ quan của Nhà nước được 13 năm, đầu năm 2021, anh Lưu Duy Đông làm đơn xin nghỉ việc để dành toàn thời gian cho chăn nuôi chim cảnh theo hướng trang trại trên mảnh đất Việt Lâm.

trang trại nuôi chim cảnh

Trang trại nuôi chim cảnh của Lưu Duy Đông

Hướng khởi nghiệp mà Đông triển khai đó là nuôi các loại chim quý, trong đó có cả loài chim thuộc nhóm 1B, 2B của Việt Nam. Đông cho rằng, nếu mình chăn nuôi các loại gia súc như lợn, bò thì cũng được nhưng thị trường đã có nhiều người làm. Đồng thời chăn nuôi như vậy tính đột biến và lợi nhuận không cao. Vì vậy, nuôi chim cảnh quý mới là bước đi mà Đông lựa chọn để khởi nghiệp.

nhân giống chim cảnh

Nhân giống cá thể chim cảnh thành công là nguyên nhân để anh Đông phát triển đàn chim cảnh của mình.

nuôi chim cảnh

Năm 2016, khi Đông đang còn làm trong cơ quan Nhà nước, gia đình có xin phép nuôi chơi vài cặp cá thể chim bố mẹ làm cảnh. Vì biết các cá thể này khó chăm sóc, lại khó nhân giống vì phần lớn bản tính của chim vẫn còn sống theo hướng tự nhiên nên giờ nuôi thuần chủng là rủi ro cao. Không dừng ở khó khăn đó, hàng năm Đông vẫn dành 1 quỹ thời gian đi tham quan ở các trang trại nuôi khác trên cả nước để học hỏi cách chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, cách nhân giống. Từ kinh nghiệm tích lũy được, Đông bắt đầu mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Mua các cá thể bố mẹ về để nhân giống. Trong đó có cả những cá thể rất đắt như công má vàng cá thể bố mua hết 25 triệu.

Để được chăn nuôi những loại cá thể quý thuộc nhóm 1B như gà lôi trắng; 2B như công và công Ấn Độ, trang trại của Đông phải được cơ quan CITES Việt Nam, là tổ chức thuộc Tổng cục Lâm nghiệp có chức năng quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp cho phép nuôi.

trang trại nuôi chim cảnh

Lưu Duy Đông cùng người lao động chăm sóc đàn chim

 

Sau 4 – 5 năm chăn nuôi và nhân giống thành công, hiện trang trại của Đông đã có 400 con chim công và công Ấn Độ, 200 con gà lôi trắng, 200 con chim trĩ các loại. Vừa nhân được giống để phát triển thành cá thể bố, mẹ. Đông cũng vừa nhân giống để bán cho các chủ nhà vườn, nhà biệt thự nuôi làm cảnh, chủ yếu là thị trường Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Năm 2021, tổng doanh thu từ bán các loại chim quý mà Đông tự gây giống là 1,5 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận khoảng 300 triệu. Năm 2022, Đông dự tính tổng thu nhập khoảng trên 2 tỷ, lợi nhuận khoảng trên 500 – 600 triệu đồng.

chim công

Hai cá thể công bố, mẹ ở trang trại của anh Đông

Hiện, Đông đã thành lập hợp HTX Tấn Đạt, có 2 trang trại nuôi chim quý hiếm tại thị trấn Nông trường Việt Lâm. Mỗi trang trại của Đông đều thuê 1 lao động làm việc thường xuyên và 1 bác sĩ thú y để theo dõi, chăm sóc bệnh tật cho đàn chim. Mỗi lao động được HTX trả lương hàng tháng là 6 triệu đồng nuôi ăn ở. Đông cho biết, vì muốn hướng tới môi trường chăn nuôi chuyên nghiệp nên trang trại cần phải thuê bác sĩ thú y làm việc tại trang trại. Vì vậy đàn chim, gà lôi của trang trại được tiêm vác xin theo định kỳ, chăm sóc theo khoa học nên khỏe mạnh, ít dịch bệnh xảy ra.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình chăn nuôi loại chim và gà quý này, Đông cho biết, loại này hiện nó vẫn sống theo đặc tính tự nhiên nên khi có người vào thường chúng sẽ tự ăn trứng hoặc ăn con. Vì vậy, công nhân tại đây phải luôn túc trực thời điểm chim và gà đẻ trứng để kịp thời lấy ra cho vào máy ấp riêng. Bên cạnh đó, Đông cũng cho xây dựng khu chuồng riêng cho các cá thể chim bị bệnh để thuận lợi trong việc chăm sóc, theo dõi và rút kinh nghiệm.

Ngoài nuôi các lại chim cảnh, Đông trồng cỏ nuôi dê, bò, lợn địa phương và cầy hương. Vừa tận dụng quỹ đất của trang trại, vừa tạo ra thêm nguồn thu và thức ăn cho gia đình.

Từ bỏ công việc nhà nước đang ổn định để thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình là việc làm không dễ dàng với anh Lưu Duy Đông, tuy nhiên dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm giàu từ mảnh đất quê hương là động lực lớn nhất để Đông thành công như ngày hôm nay.

Bài, ảnh: Lê Lâm

Nguồn: Báo Hà Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *