Đảm bảo công tác kiểm dịch động vật từ biên giới đến nội địa

(Người Chăn Nuôi) – Là một trong những cửa ngõ giao thương hàng hóa lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc nên công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của tỉnh Lạng Sơn vô cùng quan trọng, góp phần kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản lây truyền qua biên giới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Chặt tại nội địa…

Tại tỉnh Lạng Sơn, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cùng nhiều đơn vị sẽ phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý kiểm soát dịch bệnh trên động vật trong nội địa. Đơn vị này được gọi là Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Lạng Sơn.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn gồm phòng, chống buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Cụ thể là tăng cường chống nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Kiểm soát, xử lý vận chuyển heo trên địa bàn. Kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép heo và các sản phẩm từ heo qua biên giới.

Về thủy sản, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã có hàng loạt công văn thực hiện nhiệm vụ như tăng cường quản lý hoạt động sản xuất và nhập khẩu cá tầm. Kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật thủy sản và các sản phẩm động vật thủy sản từ nước ngoài vào Việt Nam.

Liên quan đến trâu, bò, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 102/BCĐ-CQTT ngày 15/6/2021 về việc tăng cường kiểm soát, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu bò, sản phẩm từ trâu bò từ nước ngoài vào Việt Nam.

Kết quả đạt được, từ năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 165 vụ, xử phạt 38 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính trên 15 tỷ đồng. Trong đó, tiền phạt vi phạm hành chính 507 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 14,7 tỷ đồng.

kiểm dịch động vật

Cán bộ Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn phối hợp với bộ đội biên phòng lấy mẫu xét nghiệm cúm gia cầm – Ảnh: Tùng Đinh

Trong những vụ việc này, hàng hóa vi phạm chủ yếu bao gồm gia cầm giống 422.580 con, sản phẩm gia súc, gia cầm (xúc xích, móng giò, thịt heo, nầm heo, lưỡi bò đông lạnh,…) 105.137 kg. Sau khi bị phát hiện, toàn bộ hàng hóa đã được xử lý, tiêu hủy theo quy định.

 

… nghiêm từ biên giới

Nếu như Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát dịch bệnh trên động vật ở khu vực nội địa thì Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn (Cục Thú y) kiểm soát ở khu vực biên giới của tỉnh với Trung Quốc.

Hiện, Chi cục thực hiện chức năng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu, ga, điểm thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các cửa khẩu đóng tại các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Công tác kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, thường xuyên được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, của ngành, áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, triển khai các thủ tục kiểm dịch trên cổng thông tin Một cửa Quốc gia tại tất cả cửa khẩu, thực hiện xây dựng và áp dụng quy trình ISO 9001:2015. Các thủ tục hành chính được đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo các quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí, tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, các lực lượng tại cửa khẩu trong công tác kiểm dịch, kiểm soát hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch động vật xuất, nhập khẩu, thu đúng, thu đủ các loại phí, lệ phí kiểm dịch động vật.

Phối hợp thường xuyên với các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, các lực lượng tại cửa khẩu trong công tác phòng, chống động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập lậu, thực hiện công tác nhận bàn giao các loại động vật, sản phẩm động vật, lấy mẫu, xét nghiệm giám sát cúm gia cầm và xử lý tiêu hủy.

Song song đó, Chi cục cũng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền người dân không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc qua biên giới. Tăng cường công tác tuyên truyền cho khách xuất nhập cảnh, cư dân biên giới về các loại bệnh như: Dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục, cúm gia cầm…

Trong 5 năm, từ 2017 – 2021, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn thuộc Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã thực hiện tiêu hủy 336 lô động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập lậu.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lạng Sơn cho biết, 3 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát nhờ chủ động trong công tác tiêm phòng. Tính đến thời điểm tháng 3/2022 tiêm phòng được 268.386 lượt con. Trong đó, tiêm phòng trâu, bò tiêm được 5.287 lượt con; Tiêm phòng heo được 12.761 lượt con; Tiêm phòng gia cầm (Newcastle và tụ huyết trùng) được 247.854 lượt con; Tiêm phòng chó mèo được 2.484 lượt con; Tiêm phòng dại được 759 con; Tiêm phòng Care được 699 con và tiêm phòng vaccine 5 7 bệnh 1.026 con.

Ngọc Diệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *