Để phát triển chăn nuôi bền vững thì chủ động nguồn cung con giống là yếu tố then chốt. Hiện nhiều hộ ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã sản xuất con giống và hình thành chuỗi khép kín trong chăn nuôi, vừa tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.
Đầu tư chăn nuôi lợn hơn 10 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở thôn 3, xã Tam Sơn đã rút được kinh nghiệm phải đầu tư chăn nuôi khép kín, tự chủ các khâu sản xuất, nhất là con giống.
Chị Loan cho biết, thời gian đầu chị chăn nuôi nhỏ lẻ và phải mua giống bên ngoài nên con giống không được đảm bảo, lợi nhuận rất bấp bênh. Vì vậy, năm 2016, sau khi mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, chị đã quyết định nuôi lợn nái để cung cấp giống cho gia đình.
Mấy năm gần đây, mặc dù có dịch tả châu Phi bùng phát nhưng trang trại nuôi lợn của gia đình chị Hoàng Thị Vân ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn đều trụ vững. Điều này là nhờ gia đình đã áp dụng tốt quy trình chăn nuôi khép kín theo chuỗi từ nuôi lợn nái, phối giống, sản xuất lợn con đến chăn nuôi lợn thịt.
Chị Vân chia sẻ: Sau nhiều năm chăn nuôi, nhận thấy con giống là yếu tố tiên quyết nên gia đình luôn duy trì trong chuồng hơn 10 con lợn nái. Bây giờ giá lợn giống trên thị trường đã “hạ nhiệt” song vẫn ở mức cao, do vậy, việc gia đình tự sản xuất con giống không chỉ chủ động trong quá trình nuôi, không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài mà còn tiết kiệm được chi phí khá lớn. Ngoài ra, lợn giống được chăm sóc, tiêm phòng vắc xin định kỳ nên phát triển khỏe mạnh, không dịch bệnh. Từ số lợn nái nuôi được, mỗi năm gia đình chị nuôi 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa hơn 200 con, sau khi trừ chi phí cho gia đình thu về trên 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 7 trang trại và 17 gia trại chăn nuôi quy mô lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với tổng đàn lợn là 3.850 con. Hiện nay, có khoảng 80% hộ nuôi trên địa bàn đã tự chủ động được con giống. Có nhiều mô hình đã mở rộng quy mô chuồng trại nuôi từ 10 – 20 lợn nái sinh sản cung cấp hàng trăm lợn thịt mỗi lứa cho gia đình.
Trong thời gian qua, UBND xã Cẩm Sơn đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho các hộ chăn nuôi về quy trình chăm sóc, lựa chọn con giống, nguồn thức ăn, cách phòng, điều trị bệnh, giữ vệ sinh môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ tiếp cận với các nguồn vay để mở rộng quy mô lớn.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, lợn giống hiện có giá dao động từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/con, có thời điểm trên 3 triệu đồng/con với trọng lượng 8 – 10 kg/con, giá lợn hậu bị khoảng 10 – 12 triệu đồng/con. Với giá trên thì chi phí con giống đang chiếm 30 – 45% giá sản xuất. Nếu các trang trại, hộ chăn nuôi tự chủ được con giống sẽ mang lại hiệu quả kép: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giảm chi phí sản xuất, mang lại lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, để đảm bảo chăn nuôi bền vững, nông dân cần chú trọng các biện pháp an toàn sinh học. Theo đó, chuồng trại chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nái sinh sản nói riêng cần cách xa nhà ở và luôn vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, khi mua lợn nái phục vụ sinh sản, người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm nguồn gốc, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho lợn nái, lợn con và chăm sóc theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Thái Hiền
Nguồn: Báo Nghệ An