Từ giữa tháng 3 lại nay, Hà Tĩnh có 14 xã thuộc 5 huyện, thành phố có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Người chăn nuôi đang tập trung phòng chống, khoanh vùng dịch để hạn chế thiệt hại.
Khi đàn lợn gồm 1 con lợn nái, 8 con lợn thịt có trọng lượng từ 70 – 80kg của gia đình anh Cù Huy Nhuận (thôn Đại Lự, Hồng Lộc, Lộc Hà) có triệu chứng bỏ ăn, li bì rồi chết dần, anh Nhuận đã báo với chính quyền địa phương để lấy mẫu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn lợn dương tính với DTLCP vào ngày 17/3.
Anh Nhuận cũng đã thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột trong và ngoài khu vực chăn nuôi.
Sau khi tái nhiễm ổ dịch mới trên địa bàn xã Hồng Lộc, từ ngày 18/3, DTLCP đã lây lan thêm 2 thôn Trung Sơn, Thượng Phú ; toàn xã buộc phải tiêu hủy 17 con lợn với tổng trọng lượng hơn 2 tấn.
Địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp để phòng chống nhằm khống chế các ổ dịch trong quy mô hẹp, đảm bảo hoạt động tái đàn, chăn nuôi ổn định cho bà con nông dân trong thời điểm này.
Từ giữa tháng 3 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 14 xã thuộc 5 huyện, thành phố (Đức Thọ, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh) có DTLCP.
Ông Phan Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: "Qua theo dõi các ổ dịch tại địa phương thì vi-rút có độc lực cao, làm lợn chết nhanh, chủ yếu xuất hiện ở đàn lợn nái, tuy nhiên, dịch đang ở quy mô hẹp và mức độ lây lan không cao. Huyện đã cấp phát bổ sung 500 hóa chất để các hộ thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng. Trung tâm cũng cử cán bộ bám sát địa bàn để hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch bệnh”.
Hiện nay, 4 xã, thị trấn của huyện Cẩm Xuyên cũng đã xuất hiện DTLCP khiến địa phương phải tiêu hủy 74 con lợn bị nhiễm bệnh với tổng trọng lượng hơn 5,2 tấn.
Ông Phan Thanh Nghi – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Tổng đàn lợn của huyện là gần 60.000 con, chăn nuôi nông hộ không đảm bảo luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng.
Huyện đã tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch để người dân chủ động phòng chống; tiếp tục thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường; khuyến cáo không tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện nhất là trong vùng có ổ dịch; kiểm soát tốt công tác mua bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm trên địa bàn”.
Chính quyền các cấp, người chăn nuôi đang tập trung phòng chống, khoanh vùng dịch trong diện hẹp để hạn chế thiệt hại.
Các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch DTLCP.
Ông Trương Xuân Bính – Giám đốc HTX Chăn nuôi, tổng hợp và xây dựng Minh Lộc cho biết: “Thời điểm này là giai đoạn giao mùa, thuận lợi cho vi-rút phát triển, dễ làm bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có DTLCP. Trên địa bàn huyện cũng đang có các ổ DTLCP nên chúng tôi chủ động thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, xe vận chuyển thức ăn, hóa chất… ra vào trang trại được kiểm soát nghiêm ngặt, phun hóa chất kịp thời”.
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ giữa tháng 3 đến nay, 14 xã thuộc 5 huyện, thành phố (Đức Thọ, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh) có DTCLP với 176 con mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy. |
Ông Nguyễn Khắc Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: "Hiện nay, DTLCP đang xảy ra đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô hẹp nhưng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm làm mầm bệnh phát triển nhanh chóng; tổng đàn lợn toàn tỉnh lớn (trên 400.000 con), mật độ chăn nuôi dày nên người dân, chính quyền tại địa phương tuyệt đối không được lơ là chủ quan, làm dịch lây lan rộng như thời điểm này năm ngoái.
Hơn nữa, bệnh DTLCP chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh; vi-rút có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường, trong các sản phẩm thịt lợn, ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển…".
"Các cấp chính quyền và người dân cần tập trung thực hiện các giải pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; thực hiện tốt tiến độ, đạt chất lượng trong quá trình tiêm phòng đợt 1/2022 đối với gia súc, gia cầm.
Người dân không tái đàn, tăng đàn trong vùng có dịch; cố gắng thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh; giống vật nuôi khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, mật độ nuôi phù hợp, sử dụng thức ăn có chất lượng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại thường xuyên…", ông Khánh khuyến cáo thêm.
Thái Oanh
Nguồn: Báo Nghệ An