Dịch bệnh tiềm ẩn, giá con giống, thức ăn tăng cao, trong khi giá heo hơi “giậm chân tại chỗ” khiến người chăn nuôi liên tục gặp khó. Để ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững, đòi hỏi người chăn nuôi, ngành chức năng Vĩnh Long thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Nhiều khó khăn
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua, chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Tuy nhiên, giai đoạn 2015 – 2021, tăng trưởng đàn heo có sự biến động mạnh về tổng đàn và sản lượng sản xuất. Theo đó, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã gây sụt giảm mạnh tổng đàn dẫn đến thiếu hụt thực phẩm buộc phải nhập khẩu thịt heo, thậm chí cả heo sống về giết mổ làm thực phẩm.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 346.000 con heo sống từ Thái Lan và trên 143.000 tấn thịt heo từ Nga, Brazil, Mỹ, Đức, Ba Lan. Đồng thời, dịch COVID-19 cũng khiến ngành chăn nuôi gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao.
Theo ngành chăn nuôi, với giá nguyên liệu thức ăn tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18 – 22% khiến lợi nhuận người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có nhiều hộ thua lỗ nặng. Hiện, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển bền vững chăn nuôi heo.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi heo theo chuỗi còn yếu, thiếu bền vững, vẫn còn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao, mức độ an toàn sinh học rất hạn chế.
Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, trong năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục với khoảng 7 lần lên giá, từ 2.900 – 3.100 đ/kg đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, thu nhập của người chăn nuôi heo. Giá con giống trong năm qua cũng tăng 1,5 – 2 lần so với năm 2020.
Tuy nhiên, giá heo hơi lại giảm từ 2 – 3 triệu đồng/tạ so với năm 2020, chỉ từ 5,3 – 5,5 triệu đồng/tạ (năm 2020 giá từ 7,5 – 8,5 triệu đồng/tạ).
Mặt khác, tình hình dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp. Những nguyên nhân này đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành chăn nuôi heo của tỉnh, dẫn đến tốc độ tăng trưởng rất chậm trong năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Ngành chăn nuôi heo đã và sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Thứ nhất là, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng nhanh do chi phí vận chuyển tăng cao và nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm trong khi nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn rất hạn chế.
Thứ hai là, giá thành sản xuất tăng trong khi giá sản phẩm chăn nuôi không tăng, sức tiêu thụ sản phẩm sụt giảm mạnh do tình hình dịch bệnh làm giảm lượng tiêu thụ.
Thứ ba là, dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn đang là mối đe dọa đến rất lớn, đây cũng là nguyên nhân chính làm cho người chăn nuôi không dám đầu tư tái đàn hay mở rộng.
Chủ động đón cơ hội mới
Theo Cục Chăn nuôi, bên cạnh những khó khăn thì thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng có nhiều thuận lợi, cơ hội mới. Cụ thể như, chăn nuôi heo nói riêng, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung đã có khung thể chế tương đối hoàn thiện với Luật Chăn nuôi có phạm vi điều chỉnh bao trùm hầu hết các hoạt động ngành chăn nuôi.
Đồng thời, ngành chăn nuôi có thị trường tiêu thụ rộng lớn và đang tăng trưởng. Đây chính là cơ hội rất lớn để ngành chăn nuôi heo phát triển hiệu quả.
Song song đó, sản phẩm chăn nuôi heo ngoài đáp ứng thị trường nội địa thì đã có xuất khẩu, như: thịt heo choai, heo sữa…
Sự phát triển của khoa học công nghệ trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Dù vậy, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng lẫn người chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm: Bên cạnh việc khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho heo bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào chăn nuôi, tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh, thì đề xuất đối với Bộ Nông nghiệp- PTNT cần đưa nhóm hàng thức ăn chăn nuôi vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá để giảm bớt áp lực cho người chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào giúp người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn.
Đồng thời, sớm đưa ra thị trường vắc xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi, giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất phát triển chăn nuôi, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Phùng Đức Tiến, cũng nhấn mạnh: Bên cạnh việc cần tận dụng nguyên liệu địa phương, cần chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn; khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi áp dụng khoa học- công nghệ, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, cải tiến, nâng cao chất lượng con giống trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Vĩnh Long hiện có trên 238.000 con heo, tăng 0,44% so cùng kỳ năm trước và tăng 2,37% (tăng trên 5.500 con) so với năm 2020. Trong đó quy mô trang trại có 314 cơ sở với trên 30.100 con, tăng 93 trang trại so với năm 2021. Từ năm 2021 đến nay tỉnh Vĩnh Long đã xử lý 20 ổ dịch với trên 1.000 con phải tiêu hủy (từ đầu năm đến nay tỉnh đã xảy ra 7 ổ dịch 234 con/11 hộ nuôi heo).
|
Bài, ảnh: Nguyên Khang
Nguồn: Báo Vĩnh Long