UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có văn bản về việc triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”.
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2022 cả nước đã xảy ra 6 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 23.000 con gia cầm; 481 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 16.000 con lợn; 62 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò tại 4 tỉnh với tổng số 699 con trâu, bò mắc bệnh, 96 con bị chết và tiêu hủy; 01 ổ dịch bệnh Lở mồm long móng.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, mặc dù hiện nay các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt; tuy nhiên nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh gia súc, gia cầm xâm nhập, lây lan rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao, vì: (i) Tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn (khoảng 23,6 triệu con gia cầm, gần 1,2 triệu con lợn, trên 450 nghìn con trâu bò), trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn; (ii) Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh (như bệnh DTLCP, lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh như vi rút gây bệnh VDNC, các chủng vi rút mới như Cúm gia cầm H5N8, H5N6); (iii) Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh vào các dịp lễ hội đầu năm, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số; (iv) Thời tiết biến động bất lợi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan; (v) Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh COVID-19.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời để ngăn ngừa bệnh truyền lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan tổ chức thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao, thường xuyên xuất hiện dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt trên địa bàn tỉnh từ ngày 15-3-2022.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Bố trí ngân sách địa phương để mua vật tư, hóa chất để tổ chức thực hiện vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả. Phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động đủ số lượng người theo yêu cầu của công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại địa phương; tổ chức các đội làm tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu,…; việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch,…; Đối với những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm chủ động vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y; Chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch này; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ thú y bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật khử trùng, tiêu độc, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, động vật, phương tiện; cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện “Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở tích cực tham gia và hướng dẫn Nhân dân làm vệ sinh, thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; kịp thời xử lý tốt các tình huống bất thường xảy ra trong quá trình thực hiện “Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cử cán bộ tham gia và hướng dẫn, đôn đốc làm vệ sinh, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời các tình huống bất thường xảy ra đối với môi trường trong quá trình sử dụng hoá chất khử trùng, tiêu độc. – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển.
Các sở, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây từ động vật sang người tỉnh tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương.
Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân tích cực tham gia thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” trên địa bàn tỉnh đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
BĐT
Nguồn: Báo Thanh Hóa