Những tháng gần đây, giá heo hơi đã phục hồi trở lại sau một thời gian giảm thấp vào những tháng nửa cuối năm 2021. Song, do giá thức ăn gia súc và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi heo tăng cao, người chăn nuôi heo vẫn chưa có lời khi xuất bán heo hơi với giá dưới 60.000 đồng/kg như hiện nay. Thêm vào đó, người chăn nuôi heo đối mặt với nhiều rủi ro do dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát trở lại tại nhiều địa phương.
Nuôi heo chưa có lời
Suốt trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, giá heo hơi duy trì ở mức rất cao giúp người chăn nuôi heo đạt mức lợi nhuận rất hấp dẫn. Tuy nhiên, từ quý II-2021, giá heo hơi đã liên tục giảm mạnh và nhanh chóng giảm sâu xuống dưới giá thành sản xuất, người chăn nuôi heo bị thua lỗ nặng. Ðáng chú ý, vào thời điểm tháng 10-2021, giá heo hơi tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã giảm hơn 50% so với hồi đầu năm, xuống chỉ còn ở mức 36.000 – 38.000 đồng/kg. Xuất bán heo với mức giá này, người chăn nuôi heo bị lỗ vốn từ 1,5 – 2 triệu đồng/con heo (trên dưới 100kg).
Chăn nuôi heo tại một hộ dân trên địa bàn TP Cần Thơ.
Trong 2 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá heo hơi đã có sự phục hồi trở lại nhờ nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng, nhất là khi nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Ðồng thời, sức tiêu thụ thịt heo cũng tăng đáng kể trong dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, tạo điều kiện cho giá heo hơi phục hồi trở lại ở mức cao nhất trong khoảng 4 tháng qua. Dù vậy, hiện người chăn nuôi heo vẫn rất khó kiếm lời.
Ngày 8-2, tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… heo hơi được hộ chăn nuôi heo bán cho thương lái và các doanh nghiệp thu mua ở mức 54.000 – 57.000 đồng/kg. Theo chủ trang trại và hộ chăn nuôi heo, với giá heo hơi hiện tại, nếu chăn nuôi heo hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp đa phần người chăn nuôi đều chưa thể kiếm lời mà mới huề vốn hoặc tiếp tục bị lỗ vốn. Riêng những hộ dân tự sản xuất con giống và vừa tham gia kinh doanh thức ăn gia súc, vừa chăn nuôi heo có thể kiếm lời nhờ chủ động được nguồn con giống và thức ăn có giá rẻ hơn thị trường. Tuy nhiên, mức lời cũng khá khiêm tốn, bán mỗi con heo khoảng 100 kg, người nuôi chỉ có thể kiếm lời khoảng 100.000 – 300.000 đồng sau gần 4 tháng chăn nuôi.
Người chăn nuôi heo cần hỗ trợ
Hiện nay, người chăn nuôi heo không chỉ đối mặt với khó khăn do các chi phí sản xuất đầu vào tăng và giá cả đầu ra sản phẩm còn bấp bênh mà còn dễ có nguy cơ bị "thua lỗ trắng" do nhiều loại dịch bệnh trên đàn heo tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Ðặc biệt, sau thời gian tạm lắng, những tháng gần đây bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã tái phát tại nhiều địa phương. Ðây là loại dịch bệnh rất nguy hiểm do chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh. Ðàn heo bị nhiễm bệnh DTHCP thường có tỷ lệ tử vong 100%, buộc phải tiêu hủy. Trước khó khăn và rủi ro, nhiều hộ dân nuôi heo sau khi xuất bán đàn heo đã có tâm lý ngán ngại tái đàn phát triển nuôi heo trở lại vào thời điểm này. Ðiều này gây ảnh hưởng đến nguồn cung heo hơi và thịt heo trong thời gian tới. Do vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ của người dân tháo gỡ kịp thời các khó khăn. Ðặc biệt, giải pháp kéo giảm ngay giá các loại thức ăn chăn nuôi và tăng cường hỗ trợ, kết nối giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp, siêu thị và nhà tiêu thụ sản phẩm giúp ổn định đầu ra sản phẩm cho heo hơi. Tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm thịt heo trong nước và hạn chế nhập khẩu, góp phần giúp giá heo hơi khởi sắc hơn. Mặt khác, cần sớm đưa vaccine phòng bệnh DTHCP ra thị trường ngay trong năm nay và có chương hỗ trợ về vốn và tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật giúp người dân phát triển các mô hình chăn nuôi heo hiệu quả, an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.
Anh Hồ Hoàng Long ngụ xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Gần đây, nuôi heo rất khó kiếm lời vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và dễ gặp rủi ro vì dịch bệnh. Cách nay gần 2 tháng, đàn heo của tôi đã bị bệnh DTHCP và tôi buộc phải tiêu hủy. Hiện tôi quyết định tạm thời không nuôi heo nữa mà chuyển sang trồng trọt và nuôi các loại vật nuôi khác với hy vọng có thu nhập tốt hơn và ít gặp rủi ro". Theo nhiều hộ chăn nuôi heo ở vùng ÐBSCL, giá nhiều loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi heo đã tăng ít nhất từ 70.000-100.000 đồng/bao so với cùng kỳ các năm trước. Theo đó, giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho heo đang ở mức rất cao, với từ 390.000-560.000 đồng/bao. Bên cạnh đó, giá nhiều chi phí đầu vào khác phục vụ chăn nuôi cũng tăng như tiền thuốc thú y, điện, nước, chi phí thuê mướn nhân công và xây dựng chuồng trại.
Ông Phạm Văn Hòa ngụ xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, cho biết: "Ðể nuôi một con heo đạt 100kg, nhiều hộ dân phải bỏ ra số tiền từ 5,5 – 6 triệu đồng, trong đó chi phí tiền thức ăn chăn nuôi khoảng 4 – 4,2 triệu đồng, tiền con giống khoảng 1,2 triệu đồng, chi phí tiêm phòng vaccine và tiền điện, nước khoảng 300.000 – 500.000 đồng. Ðó là chưa kể tiền công chăm sóc và các chi phí tiền thuốc thú y có phát sinh khi heo bị bệnh. Giá heo hơi phải ở mức trên 6 triệu đồng/100kg, người chăn nuôi heo mới đảm bảo có lời". Theo ông Hòa, nhiều hộ chăn nuôi heo tại địa phương bị thua lỗ nặng do heo bị bệnh DTHCP. Người chăn nuôi heo rất mong sớm có vaccine phòng bệnh DTHCP…
Bài, ảnh: Khánh Trung
Nguồn: Báo Cần Thơ