Gò Công Tây (Tiền Giang): Dồn toàn lực dập bệnh Dịch tả lợn châu Phi trước Tết Nguyên đán

Trong những ngày qua, ngay khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên 10 hộ dân tại 03 xã: Bình Phú, Đồng Thạnh và thị trấn Vĩnh Bình, cả hệ thống chính trị từ cấp xã, huyện Gò Công Tây đều tập trung cao độ cho công tác dập và chống dịch. Các xã cũng đang làm thủ tục nhằm nhanh chóng thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy theo quy định.

Theo một hộ chăn nuôi heo tại xã Đồng Thạnh có đàn heo bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi, ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, cán bộ thú y huyện, xã đã khẩn trương đến hộ chăn nuôi tổ chức tiêu hủy heo bệnh, tiêu độc, khử trùng khu chuồng trại, nhà kho, dụng cụ chăn nuôi và khu vực xung quanh ổ dịch. Việc tổ chức chôn, tiêu hủy heo dịch, sát trùng tiêu độc khu vực dịch được thực hiện rất kỹ. Dù quanh trại heo của gia đình hầu như không có hộ chăn nuôi heo nào khác, nhưng từ khi xảy ra dịch đến nay, cứ vài ngày là cán bộ thú y huyện, xã lại về trại tổ chức rắc vôi, phun thuốc sát trùng, tiêu độc ở khu vực hố chôn heo mắc bệnh, khu chuồng trại và khu vực xung quanh. Gia đình người chăn nuôi cũng được hỗ trợ vôi bột, thuốc sát trùng miễn phí để thực hiện việc sát trùng, tiêu độc hàng ngày      

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây phụ trách chăn nuôi – thú y cho biết: Hiện toàn huyện Gò Công Tây có tổng đàn hơn 23.000 con heo, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có hơn 50 trang trại số lượng lớn. Khi phát sinh dịch bệnh, huyện đã khẩn trương tiến hành các biện pháp dập và chống dịch được thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm ngăn mọi nguy cơ lây lan, nhất là tập trung kiểm soát các vùng dịch, vùng lân cận. Nhờ đó, các ổ dịch đã được khống chế, không để phát sinh ổ dịch mới. Các xã trong vùng lân cận phải khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch lây lan và chủ động sẵn sàng để ứng phó kịp thời khi có dịch.

Dịch tả lợn châu Phi là một trong các bệnh khó giải quyết nhất trong các loại dịch bệnh, do vi-rút gây bệnh tồn lưu rất lâu trong các sản phẩm bị nhiễm và bên ngoài môi trường. Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh này trên heo. Mặc dù bệnh này không gây hại cho sức khỏe con người, tuy nhiên thịt heo cũng cần được kiểm dịch đảm bảo an toàn. Bên cạnh các biện pháp quản lý của Nhà nước, người chăn nuôi phải siết chặt hơn về an toàn sinh học tại chuồng trại, kiểm soát triệt để các phương tiện, sản phẩm có nguy cơ chứa nguồn bệnh vào trại, phun xịt thuốc sát trùng kỹ hơn, đúng nồng độ khuyến cáo.

Kim Lan

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *