Rời quê hương huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Xuân Bính đến với vùng đất Kon Plông (Kon Tum) để lập nghiệp. Sau nhiều năm đầu lận đận kiếm kế sinh nhai, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông Bính đã chọn được cho mình một hướng đi đúng: Phát triển kinh tế trang trại tổng hợp.
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Xuân Bính nằm cách đường lớn chừng 2 cây số. Ấn tượng đầu tiên của tôi về căn “nhà tạm” để trông coi trang trại của ông Bính là khá khang trang. Dù ông gọi là “nhà tạm” nhưng thực tế, nó không hề kém cạnh những căn nhà ngoài phố với đầy đủ tiện nghi. Như đoán được so sánh của tôi, ông Bính cười: Dù là “nhà tạm” nhưng vợ chồng tôi dành thời gian ăn ở, sinh hoạt tại đây còn nhiều hơn căn nhà chính bên ngoài thị trấn Măng Đen. Công việc vườn tược, chăn nuôi rất nhiều, chúng tôi buộc phải đầu tư thời gian, công sức mới mong hái được “quả ngọt”.
Sau chén chè xanh ấm cơ thể, chúng tôi vào thăm vườn cây ăn quả của gia đình. Thật đã mắt khi trông thấy những cây cam, cây quýt trĩu quả, những trái bơ dù trái mùa nhưng đã to vượt nắm tay người… Ông Bính tự hào: Đó là tôi còn cắt bớt nhiều rồi đấy, vì một số cây cành yếu lại quá sai quả nên dễ dẫn đến gãy cành. Hằng ngày, tôi dành thời gian đi kiểm tra số lượng quả trên từng cây, loại bớt để đảm bảo cho cây phát triển. Có lẽ đất ở đây tốt, cộng thêm tôi mát tay, áp dụng hiệu quả các kỹ thuật trồng trọt, nên cây nào cây nấy đều đạt sản lượng và chất lượng quả cao.
Ông Bính chăm sóc vườn cây trĩu quả. Ảnh: TT
Trước đây, trên diện tích 2,3 ha này, ông Bính chỉ trồng mì, tuy nhiên sau khoảng 3 năm canh tác, nhận thấy cây mì cho hiệu quả thấp, lại dễ làm đất bạc màu, ông Bính quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như cam, quýt, bơ, mít… Sau vài năm cần mẫn chăm bẵm, tưới tiêu, vườn cây ăn quả của ông tươi tốt, trĩu quả. Bình quân mỗi năm, riêng các loại cây ăn quả này đã đem về cho ông lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Đạt hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng với ông Bính, cây ăn quả vẫn chưa phải là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trong những năm qua, trong chăn nuôi, đàn heo đều đặn mang về cho gia đình ông trung bình khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Bính tâm sự: Năm 2017, sau khi đã ổn định nguồn thu với cây ăn quả, tôi quyết định nuôi heo. Phần để phát triển kinh tế, mặt khác cũng để tạo nguồn phân bón cho cây trồng. Dành khoảng 1 năm tìm tòi, tích luỹ kiến thức và kỹ thuật, tôi bắt đầu nuôi 20 con heo giống để gây đàn. Tận dụng nguồn nguyên liệu sạch từ môi trường xung quanh, như củ chuối, rau rừng,… đàn heo lớn nhanh. Sau đó tôi tiếp tục tăng số lượng đàn heo. Mỗi lần xuất bán, đều có thương lái đặt sẵn hàng, bởi họ thấy heo của tôi được nuôi từ nguyên liệu sạch, rất được khách hàng ưa chuộng.
Năm 2018, ông Bính đào ao nuôi cá để tạo thêm vốn xoay vòng, bổ trợ các cây trồng, vật nuôi khác. Giống cá được ông Bính lựa chọn là trắm cỏ, cá chép, rô phi và cá trê, trong đó nuôi chính là cá trắm cỏ, bởi đây là loại có giá cao và rất ổn định trên thị trường. Trung bình hàng năm, ông thả khoảng 40kg cá trắm cỏ giống xuống hồ. Đối với các loại cá còn lại, chúng có thể tự sinh sản nên ông chỉ việc phòng ngừa dịch bệnh và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ. Từ nuôi cá, trung bình mỗi năm, ông Bính có nguồn thu khoảng 50 triệu đồng.
Chuồng heo được xây dựng đúng kỹ thuật, tránh cái lạnh đặc trưng của Kon Plông. Ảnh: T.T
Dù đã bận rộn với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, nhưng hiện tại ông Bính còn canh tác thêm 1ha cà phê xứ lạnh với khoảng 1.000 cây. Ông Bính kể: Năm nay cà phê được mùa, thu được khoảng 50 triệu đồng (sau khi trừ hết chi phí). Số tiền này sẽ được dùng để đầu tư thêm vào vườn cây ăn quả trong năm sau.Dẫn tôi ra sau vườn, ông Bính vui vẻ nói: Nếu heo và cá, tôi phát triển sau này, thì chăn nuôi gà gắn liền với tôi kể từ những ngày đầu. Thời điểm đó, cuộc sống còn khó khăn, nên tôi nuôi vài cặp gà để tăng gia, lấy trứng cải thiện bữa ăn trong trong đình, sau này mới phát triển dần. Từ nuôi gà, mỗi năm tôi thu được khoảng 20 triệu đồng.
Nói về mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Bính, ông A Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Plông nhận xét: Ông Bính là một trong những hội viên luôn tích cực, gương mẫu trong xây dựng, phát triển kinh tế gia đình. Mô hình trang trại tổng hợp của ông là một trong những hướng đi hiệu quả để nhiều hội viên ở đây học tập, noi theo.
Tất Thành
Nguồn: Báo Kon Tum