Trước thực trạng ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá thức ăn tăng, đầu ra không ổn định… tuy nhiên, mô hình tổ liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị ở thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn phát huy được hiệu quả. Qua đó, tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tam Sơn Hà Trọng Thế cho biết: “Năm 2011, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng Hội Nông dân huyện Sông Lô, Hội Nông dân thị trấn đã thành lập tổ liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi với 40 hộ thành viên tham gia.
Thời gian đầu tham gia vào tổ liên kết, các thành viên được hỗ trợ vay vốn 40 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư chăn nuôi, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh… và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, hướng tới ký hợp đồng sản phẩm cho các thành viên với các công ty, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn.
Sau khi tham gia vào tổ liên kết, thu nhập trung bình của các hộ chăn nuôi gà đạt 200 – 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện liên kết, các hộ dân sẽ hỗ trợ nhau về kỹ thuật, tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn để sản phẩm được đồng đều về năng suất cũng như chất lượng. Hằng tháng, các thành viên còn được tổ chức giao ban trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũng như cùng tháo gỡ khó khăn, giúp nhau sản xuất hiệu quả.
Nhờ cách tổ chức sản xuất khoa học, hợp lý, nên hiệu quả chăn nuôi của các thành viên trong tổ được nâng lên rõ rệt, đạt năng suất cao và không xảy ra dịch bệnh trên con nuôi. Hầu hết các hộ có số lượng đàn hơn 1.000 con, năng suất tăng 1,5 lần so với chăn nuôi nông hộ”.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Khang, tổ dân phố Bình Lạc là một điển hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao nhờ tham gia tổ liên kết chăn nuôi gà ở thị trấn Tam Sơn. Trước đây, gia đình anh chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, nên khi gà xuất bán bị thương lái ép giá, hiệu quả kinh tế thấp.
Tham gia vào tổ liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị ở thị trấn Tam Sơn, gia đình anh Nguyễn Ngọc Khang có nguồn thu nhập ổn định
Năm 2013, được sự khuyến khích của Hội Nông dân thị trấn tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất từ Ngân hàng CSXH huyện Sông Lô, gia đình anh đã quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng chuồng trại khép kín với diện tích hơn 1.200 m2, lắp đặt hệ thống máng ăn, nước uống hiện đại…
Bên cạnh đó, khi tham gia vào tổ liên kết, gia đình anh được cán bộ hướng dẫn lựa chọn con giống có năng suất, chất lượng cao; chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng hiện đại; đầu ra của sản phẩm luôn ổn định do được Hội Nông dân thị trấn hỗ trợ tiêu thụ.
Anh Khang chia sẻ: “Nhận thấy hiệu quả từ việc tham gia tổ liên kết chăn nuôi, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện gia đình tôi nuôi 2.500 – 3.000 gà Mía lai và gà Hồ lai, 1 năm nuôi 3 lứa; sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, bên cạnh được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi còn được tuyên truyền, hướng dẫn bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi như sử dụng đệm lót sinh học, dùng vôi bột để khử trùng chuồng trại, nơi chăn thả gà. Nhờ đó, chuồng trại luôn đảm bảo vệ sinh, phòng chống được dịch bệnh. Gà được xuất bán cũng được bên đơn vị thu mua yên tâm, tin tưởng hơn”.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn Lê Minh Thiết cho biết: "Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà liên kết theo chuỗi giá trị ở thị trấn đã và đang chứng minh hướng đi đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn như hiện nay cũng gây khó khăn trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường của địa phương. Trước tình trạng đó, chính quyền thị trấn đã yêu cầu các hộ dân ký cam kết chăn nuôi hợp vệ sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường".
Thời gian tới, thị trấn Tam Sơn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm gà cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn các trang trại, hộ dân thực hiện chăn nuôi gà liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bài, ảnh: Thảo My
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc