Chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vụ đông – xuân năm 2021-2022 có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài… Để giảm thiểu thiệt hại cho ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, các cơ quan chức năng khuyến cáo: Người dân cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.

Nguy cơ gia súc, gia cầm bị đói, rét vẫn cao

Những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường, số gia súc, gia cầm chết trong những ngày rét đậm, rét hại tăng cao ở một số địa phương. 

Bà Phạm Thị Vượng ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, vụ đông – xuân năm 2020-2021, gia đình bà nuôi hơn 50 con gà để bán trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng do thời tiết rét đậm trong nhiều ngày, chuồng trại không đủ ấm nên toàn bộ số gia cầm đã bị chết.

Đối với các tỉnh miền núi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong thông tin, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng nhiều hộ nông dân không dựng chuồng trại mà thả rông gia súc. Ước tính hiện nay, với 1.731 hộ không có chuồng trại và 4.520 hộ không dự trữ thức ăn thì khoảng 18.000 gia súc có nguy cơ chết đói khi rét đậm, rét hại kéo dài.

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh phân tích, rét đậm, rét hại ở vụ đông – xuân hằng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt ở khu vực trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Riêng vụ đông – xuân năm 2020 – 2021, số gia súc bị chết lên tới 2.271 con, chưa kể gia cầm. 

chăn nuôi heo

Một trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Thanh Oai sử dụng đèn sưởi ấm cho đàn lợn. Ảnh: Nguyễn Dung

Mặt khác, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các tỉnh phía Bắc quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao (trên 80%); điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi của người dân cũng như kiến thức về phòng, chống dịch bệnh; xử lý ô nhiễm môi trường… còn nhiều hạn chế.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi, nhất là ở các xã miền núi còn chủ quan, chưa quan tâm đến việc làm chuồng trại hoặc có chuồng trại nhưng không che chắn, không chủ động dự trữ thức ăn cho vật nuôi, nên nguy cơ gia súc, gia cầm bị chết vẫn có khả năng xảy ra…

 

Chủ động triển khai nhiều giải pháp

Trước dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vụ đông – xuân năm 2021 – 2022 có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Các hộ chăn nuôi lớn ở Hà Nội đã có chuồng trại khép kín, nhưng hiện vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (khoảng 60%). 

Do đó, để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp sẽ tích cực cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi…

Về thực trạng trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Điện Biên Chu Thị Thanh Xuân chia sẻ, những năm gần đây, số lượng vật nuôi chết vì đói, rét trên địa bàn tỉnh giảm nhiều do địa phương đã tăng cường kiểm tra tại cơ sở; đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động che chắn chuồng trại, giữ ấm cho gia súc, không thả rông; dự trữ thức ăn thô xanh cũng như bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. 

Với chức năng phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người sản xuất, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng cho biết: Trung tâm đã triển khai 3 dự án về trồng và chế biến, bảo quản thức ăn phòng, chống đói, rét cho đàn trâu, bò tại các địa phương. Cùng với đó là hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng, củng cố chuồng trại, cách phòng bệnh trong chăn nuôi; đồng thời đào tạo, tập huấn cách phòng, chống rét cho đàn vật nuôi…

Việc giữ đà tăng trưởng 4% của lĩnh vực chăn nuôi trong năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi trong vụ đông – xuân này, do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu: Các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương đánh giá mức độ rủi ro về các đợt rét đậm, rét hại, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn công tác kiểm tra và hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó là thông tin kịp thời, thường xuyên về các đợt rét đậm, rét hại và hướng dẫn người chăn nuôi các phương pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi như: Giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C…

Mặt khác, vận động, tuyên truyền để các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh cho gia súc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi, các địa phương cần triển khai cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc ở miền núi… để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

Ngọc Quỳnh

Nguồn: Hà Nội mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *