Được thành lập năm 2017, đến nay, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Nam Bắc, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng tích cực đổi mới phương pháp chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, sản xuất hiệu quả, ổn định, đem lại thu nhập cao cho các hộ chăn nuôi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Nam Bắc Trần Văn Nam cho biết: “Thị trấn Đại Đình là địa phương có nhiều lợi thế trong chăn nuôi gia súc. Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sạch, an toàn ngày càng cao của người dân, cũng như nhằm đáp ứng yêu cầu hợp tác để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách sử dụng thức ăn, thuốc thú y trong chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại, tôi đã ấp ủ ý tưởng và thành lập HTX chăn nuôi Nam Bắc.
Mục đích thành lập của HTX nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bà con trong vùng, nhất là du khách tới tham quan tại Khu du lịch Tây Thiên.
Không chỉ vậy, từ khi HTX thành lập, nhận thấy lợi ích khi tham gia HTX, nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn đã đăng ký làm xã viên. Từ đó các hộ xã viên luôn được duy trì, phát triển nghề, có thu nhập ổn định”.
Hệ thống chuồng trại khép kín của HTX Chăn nuôi Nam Bắc được đầu tư, xây dựng theo hướng hiện đại
Chỉ tính riêng trang trại nhà anh Nam, hiện đang nuôi 130 lợn nái, 1.100 lợn thịt với doanh thu trung bình đạt khoảng 4-5 tỷ đồng/năm; trang trại đang tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Quốc Trưởng, TDP Đồng Lính, thị trấn Đại Đình là một trong những xã viên tham gia đầu tiên vào mô hình HTX chia sẻ: “Trước khi tham gia vào HTX, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong việc chăn nuôi cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.
Việc tham gia HTX giúp gia đình tôi được hưởng những lợi ích như: chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vay vốn với lãi suất thấp và mua thức ăn cho lợn với giá thành thấp hơn thị trường.
Gia đình tôi hiện đang nuôi 300 lợn thịt, 40 lợn nái, trừ chi phí, thu nhập trung bình của gia đình tôi đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. Kinh tế gia đình từ đó cũng ngày càng phát triển”.
Nhờ việc chú trọng cải tạo con giống và đàn nái, hiện, HTX đã cải tạo được 80% giống lợn và đã tạo nguồn giống tại chỗ cho các hộ thành viên nuôi lợn thịt. Về việc tiêu thụ sản phẩm, HTX không quản lý trực tiếp mà tìm kiếm thị trường cho xã viên kết nối với các thương lái. Hiện tại, mối liên kết với các thương lái tương đối rộng với thị trường chính là các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Giang, Tuyên Quang…
Mô hình chuồng lợn kép kín của HTX nằm tách biệt hẳn khu dân cư, trang trại nuôi lợn được thiết kế, tổ chức sản xuất, quản lý bài bản. Toàn bộ đường ra, vào trang trại đều được rắc vôi bột thường xuyên để tiêu độc, khử trùng; phun khử khuẩn xung quanh chuồng 2 ngày/lần, đặc biệt trong thời gian có dịch tả lợn châu Phi.
Các dãy chuồng được xây dựng để đảm bảo nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín, lắp đặt hệ thống làm mát về mùa hè, giữ ấm trong mùa đông, hệ thống cung cấp nước sạch cho lợn uống tự động.
Việc vệ sinh chuồng trại đều được thực hiện đều đặn 2 lần/ngày đảm bảo bên trong chuồng nuôi không có mùi hôi, đạt tiêu chuẩn vệ sinh của Chi cục Chăn nuôi thú y huyện Tam Đảo.
Theo chia sẻ của Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Nam Bắc Trần Văn Nam, sản xuất theo quy trình sạch, khép kín nên nguồn thức ăn cho lợn luôn đảm bảo cam kết “5 không”: không sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm, không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hoóc môn tăng trưởng.
HTX cũng ký hợp đồng với cơ sở giết mổ lợn uy tín, được cấp phép để thực hiện giết mổ lợn và mời cán bộ kiểm dịch đến kiểm tra từng con lợn trước khi mổ”.
Anh Nam cho biết thêm: “Để thịt lợn khi xuất ra thị trường đạt tiêu chuẩn, đàn lợn phải nuôi trong 8 tháng, đảm bảo trọng lượng gần 1 tạ/con, màu thịt đỏ tự nhiên. Sau khi mổ, thịt được sơ chế, một phần cung cấp cho người tiêu dùng ở địa phương, một phần được đóng túi hút chân không phân phối tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng nông sản sạch trên phạm vi toàn tỉnh”.
Thời gian tới, HTX Chăn nuôi Nam Bắc sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng quy mô chăn nuôi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ, không chỉ cho địa bàn huyện Tam Đảo mà còn cho toàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Để làm được điều đó, anh Nam cho biết sẽ mời gọi những người thực sự tâm huyết với nông nghiệp sạch tham gia chuỗi sản xuất từ nguồn giống đến đầu ra, cam kết thu mua đúng ngày, đủ cân và đúng giá.
Bài, ảnh: Thảo My
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc