Ngành chăn nuôi cần tăng cường các giải pháp đồng bộ, nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời liên kết chặt chẽ với các đơn vị trong ngành như Thú y và Khuyến nông.
Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành chăn nuôi năm 2022 diễn ra sáng nay (23/12) ở Hà Nội.
Năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; giá thức ăn tăng cao, sức mua giảm từ 30 – 40%; giá gia cầm giảm sâu và tác động tiêu cực thiên tai nhưng ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì tổng đàn vật nuôi của cả nước, đảm bảo nhu cầu thực phẩm trong nước và một phần xuất khẩu. Đến nay, đàn lợn cả nước vẫn được duy trì 28,1 triệu con; khoảng 8,8 triệu con trâu bò; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,18 triệu tấn; 16,7 tỉ quả trứng và 1,3 triệu tấn sữa.
Nhận định dịch Covid 19 còn diễn biến phức tạp, tác động kéo dài tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi năm 2022, các đại biểu cho rằng, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về con giống; giết mổ chế biến; sản xuất thức ăn chăn nuôi; đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn, trong đó nỗ lực sản xuất theo chuỗi, tăng cường chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.
Một số ý kiến cho rằng, giống là yếu tố quan trọng vì quyết định năng suất, chất lượng. Ngành chăn nuôi vừa nâng cao năng suất giống, vừa phát triển những dòng đặc hữu và cập nhật các dòng cao sản để đa dạng hoá sản phẩm. Thực hiện kinh tế tuần hoàn cần có hướng dẫn đối với từng nhóm giải pháp và đối tượng vật nuôi là đại gia súc, gia súc và gia cầm, đồng thời thí điểm theo vùng và địa phương về việc cấp mã định danh làm sao phân loại cho dễ thực hiện ở quy mô nông hộ.
Với quan điểm chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật phải phát triển theo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất với giết mổ, chế biến và thị trường, phải tạo môi trường bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi dựa trên 4 nền tảng là: an toàn sinh học; an toàn thực phẩm; gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
Là đơn vị đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi, bà Hà Thúy Hạnh, Phó giám đốc trung tâm Khuyến nông quốc gia chia sẻ: “Cần liên kết trang thông tin điện tử của 3 đơn vị giữa Cục chăn nuôi, Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông quốc gia để làm sao cán bộ nông nghiệp, người dân, hợp tác xã ở địa phương dễ sử dụng, theo đó đưa vào cơ sở dữ liệu để phục vụ chuyển đổi số. Như tra cứu thông tin 1 địa phương nào thì chúng ta có thể biết được về quy mô, đối tượng vật nuôi và các dự án đang triển khai để phục vụ sản xuất sát với thực tiễn và thị trường”.
Định hướng nhiệm vụ của ngành chăn nuôi trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật qua đó tạo nguồn lực để thực hiện "Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045". Muốn phát triển chăn nuôi bền vững phải giải quyết bài toán môi trường, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, về khoa học công nghệ cần thể hiện được vai trò để tạo động lực xây dựng chuỗi khép kín.
“Phải phối hợp đồng bộ, trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Chiến lược. Chúng ta đang hướng đến chăn nuôi công nghiệp vì vậy phải hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân người chăn nuôi sản xuất như thế nào. Muốn làm được điều này phải đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu, năm đầu mới thành công được” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Năm 2022, ngành chăn nuôi đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân đạt từ 4% đến 5%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4%; sản lượng trứng đạt khoảng 16,7 tỷ quả và sản lượng sữa đạt khoảng 1,3 triệu tấn./.
Minh Long