Đồng Nai: Sản phẩm chăn nuôi tăng giá

Sau thời gian dài các sản phẩm chăn nuôi bán dưới giá thành sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá heo, gà, vịt… hiện đã theo đà tăng, đang ở mức người chăn nuôi có lợi nhuận.

Người chăn nuôi kỳ vọng thị trường cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022, các sản phẩm chăn nuôi sẽ có giá tốt hơn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi không “hạ nhiệt” mà có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thị trường dần khôi phục

Khi hoạt động kinh tế – xã hội dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, giá nhiều mặt hàng chăn nuôi dần tăng trở lại, người chăn nuôi bắt đầu có lợi nhuận. Hiện giá gà công nghiệp bán tại trại đạt mức từ 30 – 32 ngàn đồng/kg, tăng nhiều so với thời điểm giá chưa đến 10 ngàn đồng/kg vài tháng trước. Giá gà ta thả vườn nuôi nhốt dao động từ 55 – 60 ngàn đồng/kg. Giá vịt siêu thịt vài tuần trở lại đây có xu hướng dần tăng giá, hiện đang đứng ở mức 36 – 38 ngàn đồng/kg. Giá heo hơi bán tại trại tùy trại và địa phương, có giá từ 47 – 50 ngàn đồng/kg.

Đây chưa phải là mức giá người chăn nuôi kỳ vọng vì thấp hơn so với mặt bằng giá chung cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức giá này đã tăng hơn rất nhiều so với những tháng khó khăn trước đó, người chăn nuôi cũng đã có lợi nhuận. Trong đó, giá gà công nghiệp có mức tăng khá tốt.

gà công nghiệp

Giá gà công nghiệp đang ở mức tốt nhưng người chăn nuôi đạt lợi nhuận thấp do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Trong ảnh: Một trại gà công nghiệp ở xã Long Đức (H.Long Thành) xuất bán gà. Ảnh: B.Nguyên

Ông Lê Quang Huy, chủ trại gà công nghiệp ở xã Long Đức (H.Long Thành) cho biết, hiện giá gà công nghiệp đứng ở mức giá tốt và người chăn nuôi đã có lợi nhuận. Ngoài ra, thời tiết những tháng cuối năm khá thuận lợi cho con gà tăng trưởng, dịch bệnh cũng được kiểm soát. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và nhiều chi phí đầu vào khác cũng đội lên, trang trại giảm bớt lứa nuôi nên đồng lời cũng bị thu hẹp hơn.

Nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang dần khôi phục góp phần làm cho giá các sản phẩm chăn nuôi tăng trở lại với mức cao hơn nhiều so với thời điểm giá chạm đáy vài tháng trước. Cùng với đó còn có nguyên nhân nguồn cung giảm hơn do người nuôi giảm đàn vì khó khăn.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện đạt 25,3 triệu con, giảm 7,54% so với cùng kỳ. Tổng đàn heo của tỉnh đạt gần 2,4 triệu con, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Lại lo thức ăn chăn nuôi “sốt giá”

Giá sản phẩm chăn nuôi tăng nhưng khó khăn, thách thức vẫn bủa vây ngành chăn nuôi khi chi phí đầu vào vẫn tăng quá cao. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ trại heo tại xã Lộ 25 (H.Thống Nhất) chia sẻ: “Mọi năm, với mức giá như hiện nay, người nuôi heo đã có lợi nhuận tốt. Nhưng hiện người nuôi heo hầu như không có lời, thậm chí lỗ, vì giá thức ăn tăng quá cao. Người chăn nuôi chúng tôi không chỉ mong đầu ra ổn định, có giá tốt mà chi phí đầu vào cũng ở mức hợp lý thì người chăn nuôi mới yên tâm đầu tư vào sản xuất”.

Hiện ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên chịu sự tác động trực tiếp và mạnh mẽ vào sự biến động của thị trường thế giới. Theo các doanh nghiệp, chuyên gia dự báo, giá thức ăn chăn nuôi khó “hạ nhiệt” mà có khả năng còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

TS Michel Guillaume, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Olmix (Pháp) dự báo, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ khó phục hồi sớm, có thể phải đến giữa năm 2022 mới ổn định trở lại. Ngoài ra, yếu tố ảnh hưởng khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh là do chi phí vận chuyển tăng cao. Việt Nam nên từng bước tìm kiếm những nguồn nguyên liệu khác luôn có sẵn tại chỗ để thay thế các nguyên liệu nhập khẩu.

Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên rất nhiều. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi khó có khả năng giảm, thậm chí có thể tăng lên do nguồn cung nguyên liệu trên thế giới sụt giảm, bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các tác động của đại dịch Covid-19 cũng khiến chi phí vận chuyển chỉ tăng mà không giảm.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *