Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện, Thái Thụy đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch đối với ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để lây lan trên diện rộng, đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn.
Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, tính đến ngày 1/12, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh ở 22 hộ chăn nuôi, tại 12 thôn thuộc 8 xã, thị trấn trong huyện, gồm: Thái Thượng, Thái Đô, Mỹ Lộc, Hòa An, Hồng Dũng, Dương Hồng Thủy, An Tân và thị trấn Diêm Điền; số lợn chết đã tiêu hủy là 268 con/10.321 kg. Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại nhiều địa phương trong huyện, những ngày qua, Thái Thụy đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát bệnh dịch. UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; ban hành nhiều công văn chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch đối với ổ dịch không để lây lan trên diện rộng.
Hộ chăn nuôi xã Thái Phúc (Thái Thụy) tích cực chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn.
Dương Hồng Thủy có tổng đàn lợn lớn với hơn 5.000 con. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại 5 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã với số lượng lợn chết và tiêu hủy 13 con.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch UBND xã: Để ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, UBND xã đã chỉ đạo Ban Chăn nuôi và Thú y xã phối hợp với các thôn và những hộ chăn nuôi có lợn chết do mắc bệnh thực hiện việc tiêu hủy đàn lợn theo quy định. Đồng thời cấp phát hóa chất và hướng dẫn, đôn đốc các hộ chăn nuôi có lợn chết thường xuyên phun hóa chất khử trùng, tiêu độc và rắc vôi bột toàn bộ khu chuồng nuôi và xung quanh. Ngoài ra, xã cũng tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại các nơi dễ lây lan dịch như chợ, bãi rác, nơi công cộng,… trên phạm vi toàn xã; thực hiện giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ lợn. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo bệnh dịch trên đài truyền thanh xã để các hộ chăn nuôi biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương khi có lợn ốm chết và không mang lợn chết vứt ra môi trường khiến dịch lây lan.
Hộ chăn nuôi lợn xã Thụy Việt rắc vôi bột khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn.
Bà Lê Thị Sinh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Trạm đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn có bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tổ chức tiêu hủy lợn chết theo quy định. Cấp phát gần 400 lít hóa chất cho các xã, thị trấn có dịch để hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn chết do mắc bệnh dịch phun khử trùng tiêu độc toàn bộ khu chuồng nuôi và xung quanh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Trong tháng 10, Trạm cũng cấp trên 2.050 lít hóa chất của tỉnh hỗ trợ cho các địa phương tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các địa phương, hộ chăn nuôi cũng chủ động nguồn kinh phí mua 1.473 lít hóa chất và hơn 60 tấn vôi bột để tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và vùng phụ cận; nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao như chợ, nơi buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm, giết mổ động vật.
Hiện nay, tổng số đàn lợn trên địa bàn huyện là 94.168 con. Theo nhận định của ngành chuyên môn huyện thì tổng số đàn lợn lớn như hiện nay cùng với nhận thức của một số người chăn nuôi về phòng, chống dịch còn hạn chế, việc buôn bán, vận chuyển lợn các sản phẩm từ lợn gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm là điều kiện thuận lợi để bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể phát sinh và lây lan trên diện rộng. Vì vậy, huyện Thái Thụy đang tiếp tục chỉ đạo các xã, trị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo phương châm “xã giữ xã”, “thôn giữ thôn”, “trang trại giữ trang trại”, “hộ giữ hộ”; xây dựng, triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống bệnh dịch để chủ động, sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch diễn ra trên diện rộng. Ngoài ra, các cấp, ngành chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các ổ dịch phát sinh; kiểm soát vận chuyển, chú trọng hoạt động các tổ kiểm soát dịch bệnh tại các xã, các thôn chưa có dịch để bảo đảm không lây lan dịch bệnh từ vùng có dịch sang vùng chưa có dịch. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi.
Trần Tuấn
Nguồn: Báo Thái Bình