(Người Chăn Nuôi) – Nuôi heo rừng lai đã được các hộ dân tại nhiều địa phương áp dụng, mang lại hiệu quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.
Sau khi “bôn ba” học tập kinh nghiệm nhiều nơi, năm 2016, anh Phạm Văn Sáu, xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã quyết định bỏ vốn xây dựng trang trại chăn nuôi heo rừng lai. Theo đó, trên diện tích 2 sào đất cao và thoát nước tốt, nhiều chuồng được thiết kế với diện tích 20 – 30 m2/chuồng được xây dựng để heo tránh mưa, nắng. Phần diện tích còn lại được anh Sáu vây lưới B40 để vật nuôi có không gian rộng để vận động. Để thực hiện mô hình này anh Sáu đã tìm đến các trang trại uy tín ở tỉnh Tây Ninh mua heo rừng giống. Từ 5 con heo giống ban đầu, sau 3 năm phát triển, mô hình của anh thường xuyên duy trì quy mô 150 – 200 con. Cùng đó, để tạo sự nguồn heo thương phẩm có chất lượng, anh không sử dụng thức ăn công nghiệp trong suốt quá trình nuôi mà chỉ sử dụng chủ yếu là rau, củ, quả hoặc cám gạo… Do vậy, với quy trình chăm sóc đặc biệt, heo con ở trang trại anh Sáu sau 6 – 8 tháng nuôi có thể xuất chuồng. Trong lượng dao động 25 – 30 kg/con. Bình quân trang trại của anh bán ra thị trường 20 con/tháng, với giá heo thịt 100.000 đồng/kg; Heo giống 120.000 – 130.000 đồng/kg.
Nuôi heo rừng lai khá đơn giản, không tốn công chăm sóc – Ảnh: Trần Dung
Ông Phạm Quang Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ha chia sẻ, mô hình heo rừng lai của anh Phạm Văn Sáu là một ví dụ điển hình về thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đây là loại vật nuôi có sức đề kháng tốt, có thể tận dụng nguồn thức sẵn có trong tự nhiên, nên phù hợp với người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi heo rừng này.
Cũng một trong những hộ tiên phong nuôi heo rừng lai ở thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đông, chị Điểu Thị Trang hiện có hơn 30 con heo rừng, trong đó có 2 con heo nái liên tục sinh sản, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Theo chị Trang, việc nuôi heo rừng lai cũng khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, nguồn thức ăn sẵn có như bẹ chuối, cỏ voi, bắp, khoai mì cũng như lượng thức ăn dư thừa trong gia đình… vừa giảm chi phí đầu tư vừa giúp thịt heo săn chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon. Tuy nhiên, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Mỗi con heo nái giống đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 6 – 9 con. Sau 5 – 6 tháng đã có thể xuất chuồng, với cân nặng 20 – 30 kg/con nên lợi nhuận từ việc nuôi heo rừng cao hơn gấp nhiều lần so trồng hoa màu.
Được biết, toàn xã Đồng Nai Thượng có 78 hộ đang thực hiện mô hình chăn nuôi heo rừng lai, trong đó có 30 hộ nuôi với quy mô hơn 30 con heo/một lứa nuôi. Đến nay, việc chăn nuôi của các hộ dân đều phát triển tốt, mở ra hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho nông dân.
Theo các hộ nuôi, với những ưu điểm như: Chất lượng thịt tốt, năng suất cao, ít bệnh tật, không kén thức ăn, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống nên nuôi heo rừng đang là một trong những mô hình chăn nuôi được người dân trên địa bàn xã lựa chọn. Ngày càng có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, mở rộng diện tích chuồng trại, tăng quy mô chăn nuôi. Mặt khác, xã Đồng Nai Thượng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, nguồn thức ăn dồi dào là điều kiện thuận lợi để xã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi heo rừng. Do vậy, bên cạnh việc tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi heo rừng lai sẽ là hướng đi được nông dân trong xã phát triển mạnh trong thời gian tới.
>> Kinh nghiệm của các hộ dân thực hiện mô hình nuôi heo rừng lai cho thấy, thức ăn cho heo rừng lai chủ yếu là rau, củ, quả, cám ngô, cám gạo nên chi phí thức ăn thấp. Heo rừng lai có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, để đàn heo phát triển tốt heo phải được tiêm vaccine đầy đủ, có sổ ghi chép theo dõi; Chuồng trại xa khu dân cư, cao ráo, thoáng gió…
Vân Anh