(Người Chăn Nuôi) – Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cảnh báo, dịch cúm gia cầm đang bùng phát nghiêm trọng ở một số nơi tại châu Á và châu Âu. Riêng tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết, từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là rất cao và phức tạp.
Lan mạnh ở châu Âu
Trong tháng 10 và đầu tháng 11/2021, Italy chính thức báo cáo 65 ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI), chủ yếu là virus H5N1. Theo OIE, tổng số gia cầm bị ảnh hưởng bởi những đợt bùng phát này tính đến ngày 16/11/2021 là hơn 2,75 triệu con. Các ổ dịch tập trung ở tỉnh Verona thuộc vùng Veneto, phía Ðông Bắc nước này. Tuy nhiên, các trường hợp khác cũng đã được phát hiện ở tỉnh Padua trong cùng vùng, ở Lombardy và trong một đàn gia cầm ở sân sau ở Rome.
Ở Italy, Verona là một trung tâm sản xuất gà tây và các đàn gia cầm thương mại này hiện phải gánh chịu hậu quả của dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, bệnh cúm đã được xác nhận trên chim cút, gà đẻ, gà thịt và vịt.
Trong tuần từ ngày 12 – 19/11/2021, các trường hợp nhiễm HPAI đầu tiên, chủ yếu là virus H5N1 đã được báo cáo với OIE trên các đàn gia cầm ở Hungary, Na Uy và bang Mecklenburg – Tây Pomerania của Ðức.
Cụ thể, tại Hungary, 2 đợt bùng phát đã xảy ra ở quận Bacs-Kiskun ở miền Trung – Nam. Theo thông báo của OIE, đều là những cơ sở thương mại liên quan đến đợt bùng phát này. Một khu có 620 con ngỗng để sản xuất gan ngỗng, trong khi khu kia có hơn 38.000 con vịt giống. Ðây là những đợt bùng phát HPAI đầu tiên trên cả nước kể từ tháng 4/2021.
Còn tại Na Uy, nước này đã ghi nhận những trường hợp nhiễm HPAI đầu tiên trên một đàn gia cầm. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus là một đàn gà đẻ 7.000 con ở hạt Rogaland phía Tây Nam. Tỷ lệ chết rất cao. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Na Uy cho rằng, đây là một tình huống rất nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp gia cầm của Na Uy.
Tương tự, ở phía Ðông Bắc nước Ðức, bang Mecklenburg – Tây Pomerania đã ghi nhận 2 đợt bùng phát HPAI trong tháng 11/2021. Cả 2 đàn bị ảnh hưởng đều là đàn ở sân sau với tổng số 162 con.
Dịch cúm gia cầm hiện đang lây lan nhanh ở nhiều nước châu Âu. OIE cho biết, phần lớn các nước đã nâng cảnh báo lên mức cao, đồng nghĩa với việc gia cầm và tất cả loại chim nuôi phải được bảo vệ hoặc giữ ở trong nhà để tránh tiếp xúc với chim hoang dã. Trong bối cảnh mùa đông tới gần, nguy cơ dịch cúm H5N1 bùng phát càng làm gia tăng lo ngại đối với ngành chăn nuôi vốn đã thiệt hại nặng nề sau những đợt dịch buộc phải tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm.
Theo Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật của Ủy ban châu Âu (EC), tính từ đầu năm đến ngày 13/11/2021, tổng số 1.246 ổ dịch HPAI ở gia cầm đã được báo cáo tại 20 quốc gia châu Âu, tăng mạnh so 442 ổ dịch HPAI đã được ghi nhận trong năm 2020.
Lo ngại ở châu Á
Ngày 15/11, OIE cho biết, Hàn Quốc đang bùng dịch cúm gia cầm tại một trang trại ở tỉnh Chungcheongbuk-do. Khoảng 770.000 con gia cầm tại đây đã bị tiêu hủy.
Trong khi đó, ngày 16/11, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) thông báo, đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm chủng độc lực cao H5N8 tại một nông trại nuôi gà ở TP. Izumi, thuộc tỉnh Kagoshima và là đợt bùng phát cúm gia cầm thứ 3 tại Nhật Bản trong mùa đông này.
Theo Hãng tin Reuters, cúm gia cầm lây lan dẫn đến các hậu quả như tiêu hủy hàng triệu gia cầm hay hạn chế hoạt động thương mại. Ngoài ra, virus cúm gia cầm cũng có thể lây truyền sang người. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận 21 trường hợp nhiễm virus cúm H5N6 ở người trong năm nay, tăng 16 trường hợp so năm ngoái. Mặc dù số liệu này thấp hơn nhiều so với hàng trăm người bị nhiễm H7N9 vào năm 2017, song bệnh do virus H5N6 gây ra đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người trở bệnh nặng và ít nhất 6 người đã tử vong.
Reuters dẫn lời Giáo sư Thijs Kuiken tại Trung tâm Y tế Ðại học Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan nhận định: “Sự gia tăng các ca nhiễm virus H5N6 ở người tại Trung Quốc trong năm nay là điều đáng lo ngại. Ðây là một loại virus gây tử vong cao”.
Kiểm dịch gia cầm tại một trang trại ở Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Mặc dù không có bất kỳ khả năng nào cúm gia cầm lây sang người qua việc ăn thịt hoặc trứng gà, tuy nhiên sự gia tăng số lượng người mắc cúm gia cầm ở Trung Quốc trong năm nay đang khiến các nhà dịch tễ học lo ngại, đặc biệt khi thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hầu hết các trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm đều tiếp xúc với gia cầm và không có trường hợp nào được xác nhận lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh sự “cấp bách” phải tiến hành thêm các cuộc điều tra để hiểu rõ về nguy cơ và nguyên nhân gia tăng số ca nhiễm virus H5N6 ở người.
Việt Nam cần thận trọng
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 103 xã của 74 huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 402.314 con gia cầm (chiếm 0,08% tổng đàn gia cầm cả nước). Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine cúm gia cầm. Các ổ dịch cúm gia cầm gây ra do virus A/H5N6 chiếm ưu thế (83%) và xảy ra ở 23 tỉnh, thành ở cả 3 miền. Từ giữa tháng 6/2021 phát hiện virus A/H5N8 lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam và đã lây lan nhanh trên 10 tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và chiếm 13% số ổ dịch; Các ổ dịch do virus cúm A/H5N1 ít xảy ra (chiếm 4%) và chỉ phát hiện tại 3 tỉnh phía Nam.
Tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi” do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tháng 10/2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh: “Cuối năm nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cao, phức tạp. Nếu không làm tốt về thú y sẽ không đảm bảo hệ thống phòng chống dịch bệnh. Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine phòng cho gia súc, gia cầm ở các địa phương chưa cao. Chỉ có vaccine mới đáp ứng được việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời cần đảm bảo quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, sức khỏe đàn vật nuôi”.
“Với những cơ sở an toàn dịch bệnh đã xây dựng được phải duy trì và củng cố phát triển, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, Thứ trưởng Tiến nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y
Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 lây lan và gia tăng là rất cao do thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Tổng đàn chăn nuôi gia cầm lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chưa tiêm phòng vaccine. Tình hình giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm như A/H7N9, A/H5N2… xâm nhiễm thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam
Giá sản phẩm gia cầm, gia súc sẽ tiếp tục tăng nhưng không tăng cao, song vẫn đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho cuối năm trong mọi tình huống. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần mở cửa thì nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ khiến giá sản phẩm tăng lên. Nhưng quan trọng cuối năm cần kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Nếu dịch bệnh bùng phát sẽ khiến nông dân bán tháo, bán chạy và sẽ làm giá đi xuống.
Phương Ngọc