Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, đã tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi tại các trang trại, cơ sở, hộ gia đình. Chính vì vậy, để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm khi thời tiết thay đổi, người chăn nuôi cần phải phòng, chống một số loại dịch bệnh thường gặp như: bệnh cúm gia cầm; lở mồm long móng; dịch tả heo châu Phi (DTHCP); viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hơn 203.000 con, trong đó đàn trâu hơn 2.600 con, đàn bò gần 54.000 con, đàn heo gần 138.000 con, đàn dê 9.500 con và đàn gia cầm hơn 6,4 triệu con. Với đàn vật nuôi lớn như thế, trong những năm qua, để duy trì và phát triển đàn, ngành nông nghiệp của tỉnh đã thực hiện các chương trình, dự án, trong đó có Dự án Phát triển đàn bò thịt, bò sữa và các mô hình nuôi gà lót đệm lót sinh học, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi vịt đạt chứng nhận VietGAP… Tất cả các chương trình, dự án trên nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt nhất, tránh các loại dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn, bởi thông qua chương trình, dự án, người chăn nuôi đã được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi một cách bài bản, khoa học.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và trong thời điểm giao mùa thì một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên đàn vật nuôi. Do đó, người chăn nuôi phải đặc biệt chú ý phòng, chống các loại dịch bệnh này.
Đàn gia cầm đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng sản phẩm thịt trên thị trường, để phòng bệnh cúm gia cầm, người chăn nuôi nên tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn gà, vịt (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19). Ảnh: Thúy Liễu
Bệnh cúm gia cầm là bệnh nguy hiểm trên gia cầm, bởi thời gian ủ bệnh ngắn và tỷ lệ gia cầm mắc bệnh chết lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày. Gia cầm mắc bệnh sẽ có một số biểu hiện như: đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám, chảy nhiều nước mắt, sưng phù đầu và mặt, phân loãng màu trắng hoặc màu trắng xanh; với gà đẻ trứng thì năng suất giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ. Do đó, biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm là tiêm đầy đủ vắc xin đúng liều lượng, đúng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để ngăn ngừa dịch bệnh cúm trên đàn vịt, đàn gà.
Bệnh được xem là bệnh rất nguy hiểm trên đàn heo nuôi, vì heo mắc bệnh tỷ lệ chết lên đến 100%. Một số triệu chứng khi heo mắc bệnh là sốt cao, bỏ ăn, nằm một chỗ, đi lại khó khăn, vùng da đỏ có màu đỏ hoặc tím xanh, heo xuất huyết lấm tấm đỏ… Để phòng bệnh DTHCP, hộ chăn nuôi cần phải chọn mua heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng các loại thức ăn thừa từ các nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho heo. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi bằng các loại hóa chất như vôi bột, formol… Với bệnh DTHCP chưa có vắc xin nên người chăn nuôi phải hết sức thận trọng phòng, tránh dịch bệnh trên đàn heo, theo hướng dẫn của ngành chuyên môn để phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.
Riêng bệnh VDNC trên trâu, bò sẽ làm giảm lượng sữa trên đàn bò sữa, gây sảy thai, giảm tăng trọng và có thể làm trâu bò chết. Khi trâu, bò mắc bệnh thường có các biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, da nổi những nốt sần, cục khoảng 1 – 5cm, số cục nổi sần có thể thay đổi từ vài nốt đến rất nhiều mọc khắp cơ thể, loét ở vùng mõm, môi và trong miệng, mũi… Với trâu, bò có giá trị kinh tế cao, để phòng bệnh VDNC thì người chăn nuôi cần tiêm vắc xin cho trâu, bò để phòng bệnh, nhằm đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ xảy ra.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long, để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thì trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm như đã nêu ở trên. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh; tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về tác hại của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Thúy Liễu
Nguồn: Báo Sóc Trăng