Toàn tỉnh hiện có 195.000 con trâu, 265.000 con bò, 1,2 triệu con lợn và 23 triệu con gia cầm. Vào mùa đông, nhu cầu thức ăn của vật nuôi lại càng tăng, song nguồn thức ăn, nhất là thức ăn xanh cho đàn gia súc trở nên khan hiếm. Do đó, để bảo đảm nguồn thức ăn, phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, các huyện, thị xã, thành phố đang tuyên truyền, phổ biến cho người dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Tại huyện Cẩm Thủy, những ngày này, trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xóm liên tục thông tin về dự báo tình hình thời tiết. Đồng thời, khuyến cáo các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, chú trọng việc dự trữ, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày giá rét. Cùng với đó, cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Thủy cũng trực tiếp đến các hộ chăn nuôi để phổ biến, hướng dẫn cách phối trộn, bảo quản, dự trữ thức ăn trong mùa đông và các biện pháp chăm sóc, phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Gia đình anh Quách Văn Toản, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Được cán bộ chuyên môn của huyện, xã phổ biến về việc bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, ông Hà Văn Ư, xã Cẩm Châu đã tiến hành trồng 2 sào cỏ voi, bảo đảm nguồn thức ăn xanh cho 7 con bò. Đồng thời, tích trữ nguồn thức ăn tinh như lúa, ngô, cám các loại để bổ sung cho con nuôi. Ngoài ra, ngay từ khi vừa thu hoạch lúa thu mùa, gia đình ông Ư đã chủ động phơi, dự trữ rơm, rạ để làm thức ăn thô cho đàn bò trong suốt mùa đông.
Mới chớm đông, song người chăn nuôi trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã gia cố, tu sửa lại chuồng trại, tích trữ thức ăn cho đàn vật nuôi. Gia đình anh Quách Văn Toản, xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc đã mua bạt, bao lại hệ thống chuồng trại chăn nuôi gần 20 con bò sinh sản và bò thịt. Riêng đối với nguồn thức ăn, ngoài 5 sào cỏ voi, gia đình anh còn tích trữ cả rơm, ngô hạt và một số loại vitamin để phối trộn thức ăn, tăng sức đề kháng cho con nuôi trong suốt mùa đông. Năm nay được dự báo thời tiết sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại, nên gia đình anh đã chuẩn bị thêm củi khô, trấu để sưởi ấm cho đàn vật nuôi nếu nhiệt độ xuống thấp. Theo anh Toản, để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt trong mùa đông, ngoài việc giữ chuồng trại ấm thì nguồn thức ăn đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng sẽ là giải pháp tối ưu nhất.
Được biết, huyện Ngọc Lặc có khoảng 5.000 con gia súc, gần 30.000 con lợn và hơn 1,4 triệu con gia cầm. Để đàn vật nuôi trên địa bàn sinh trưởng, phát triển tốt trong mùa đông, huyện đã và đang khuyến khích các hộ chăn nuôi gia súc tận dụng quỹ đất tại các bờ ruộng, vườn tạp để trồng các loại cây sử dụng làm thức ăn xanh tại chỗ cho đàn gia súc, như: ngô dày, cỏ voi, cỏ VA06… Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi tận dụng nguồn phế phẩm, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để chế biến thêm nguồn thức ăn thô, thức ăn tinh bổ sung cho đàn gia súc vào những đợt rét đậm, rét hại, tránh tình trạng để đàn gia súc phải chịu đói, rét làm giảm sức đề kháng trong mùa đông. Bên cạnh đó, tuyên truyền để các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại, vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm bảo vệ tốt nhất cho đàn gia súc trong mùa đông.
Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần chú trọng củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi; hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh; thức ăn khô (rơm, rạ, cỏ khô…), thức ăn ủ chua, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Đối với gia cầm phải có đèn sưởi, củng cố chuồng trại chăn nuôi, che chắn giữ khô nền chuồng, kín, ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi. Đối với gia súc, nhất là đối tượng con nuôi trâu, bò cần chuẩn bị, dự trữ rơm, rạ bảo đảm bình quân 5 đến 7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét.
Bài và ảnh: Tiến Xuân
Nguồn: Báo Thanh Hóa