Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 10/2021

Trong bối cảnh dịch Covid 19 còn diễn biến phức tạp, sản xuất chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều, nhất là chăn nuôi lợn, gia cầm gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, giá thịt, nhất là thịt lợn hơi giảm sâu làm chăn nuôi thua lỗ, không tái đàn.

Tình hình chung

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản xuất chăn nuôi tháng 10 diễn ra trong điều kiện thời tiết có một số diễn biến bất thuận, mưa lớn, bão, lũ diễn ra ở nhiều nơi. Trong bối cảnh dịch Covid 19 còn diễn biến phức tạp, sản xuất chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều, nhất là chăn nuôi lợn, gia cầm gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, giá thịt, nhất là thịt lợn hơi giảm sâu làm chăn nuôi thua lỗ, không tái đàn.

Chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn do giá thịt lợn hơi trong tháng tiếp tục giảm sâu so với tháng trước. Theo số liệu của TCTK, tổng đàn lợn của cả nước tại thời điểm cuối tháng 10 giảm 1,5% so với cùng thời điểm năm 2020. Chăn nuôi gia cầm cũng gặp khó khăn khi chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm, lượng vật nuôi tồn trong chuồng cao. Theo ước tính của TCTK, tổng đàn gia cầm của cả nước tại thời điểm cuối tháng 10 giảm 1,2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 10 ước đạt 33 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 91 triệu USD, tăng 11%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 85 triệu USD, tăng 10,9%.

Chăn nuôi trâu, bò:

Theo số liệu của TCTK ước tính tổng đàn trâu của cả nước tại thời điểm cuối tháng 10 năm 2021 giảm 3,9%, tổng đàn bò tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm 2020.

Chăn nuôi lợn:

Đang gặp nhiều khó khăn khi giá thịt lợn hơi trong tháng tiếp tục giảm sâu so với tháng trước. Giá thịt lợn hơi hiện đang dao động trong khoảng 35.000 – 42.000 đồng/kg (bằng khoảng 70 – 80% so với tháng trước). Với bối cảnh hiện tại, nhiều cơ sở chăn nuôi đã phải dừng nuôi, để trống chuồng do không còn đủ nguồn lực hoặc không dám nuôi tiếp. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng đàn lợn của cả nước tại thời điểm cuối tháng 10 năm 2021 giảm 1,5% so với cùng thời điểm năm 2020.

Chăn nuôi gia cầm:

Cũng gặp nhiều khó khăn. Chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tình trạng thua lỗ kéo dài. Nhiều cơ sở chăn nuôi cũng giảm đàn hoặc tạm ngừng nuôi. Theo ước tính của TCTK, tổng đàn gia cầm của cả nước tại thời điểm cuối tháng 10 năm 2021 giảm 1,2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 20/10/2021 tình hình dịch bệnh trên cả nước cụ thể như sau:

– Dịch Cúm gia cầm (CGC): Trong tháng 10, phát sinh 01 ổ dịch CGC A/H5N8 tại xã Tâm Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 44 con. Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N8 tại tỉnh Lạng Sơn chưa qua 21 ngày. Số gia cầm bị tiêu hủy là 44 con.

– Dịch Lở mồm long móng (LMLM): Trong tháng 10, không phát sinh ổ dịch LMLM mới tại các địa phương. Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM

– Dịch Tai xanh: Trong tháng 10, cả nước không phát sinh ổ dịch Tai xanh tại các địa phương. Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.

– Dịch Tả lợn châu Phi: Trong tháng 10, phát sinh 287 ổ dịch tại 122 huyện 38 tỉnh, thành phố; tổng số lợn tiêu hủy là 15.563 con. Hiện nay, cả nước có 629 ổ dịch tại 181 huyện của 42 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; tổng số lợn tiêu hủy là 53.895 con.

– Dịch viêm da nổi cục: Trong tháng 10, cả nước phát sinh 60 xã có dịch tại 31 huyện thuộc 8 tỉnh: Điện Biên, Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh; tổng số trâu, bò mắc bệnh là 247 con, số trâu, bò tiêu hủy là 36 con. Hiện nay, cả nước có 491 ổ dịch tại 119 huyện của 28 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; tổng số gia súc mắc bệnh là 35.049 con, số gia súc đã tiêu hủy là 4.766 con.

 

Thị trường chăn nuôi

Giá lợn hơi biến động giảm do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu chưa cao bởi nhiều bếp ăn trường học, công ty, nhà hàng hoạt động còn ít. Giá thu mua gia cầm tại trại biến động tăng tại các vùng miền trong tháng qua do việc tiêu thụ đã thuận lợi hơn trước. Giá trứng giảm do sức mua giảm.

Tại thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 12/2021 ở Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 12,2 UScent/lb xuống mức 73,2 UScent/lb. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung dồi dào, ngay cả khi tốc độ giết mổ lợn có dấu hiệu chậm lại.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 10, giá lợn hơi biến động giảm so với tháng trước do nguồn cung nhiều trong bối cảnh nhu cầu thấp do các bếp ăn trường học, công ty, nhà hàng hoạt động còn ít. Tuy nhiên, vào những ngày gần đây, giá thịt lợn có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại.

Cụ thể, tại các tỉnh phía Bắc giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 10.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 33.000 – 38.000 đồng/kg. Các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và Tuyên Quang hiện thu mua trong khoảng 34.000 – 36.000 đồng/kg. Tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên đang thu mua lợn hơi ở mức 37.000 đồng/kg và 38.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 33.000 – 38.000 đồng/kg, giảm 11.000 – 12.000 đồng/kg. Trong đó, ở Thanh Hóa có mức giá 34.000 đồng/kg; ở Nghệ An có mức giá thấp nhất khu vực là 33.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Nam dao động trong khoảng 36.000 – 38.000 đồng/kg, giảm 9.000 – 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong đó, TP HCM và Tây Ninh tiếp tục thu mua ở mốc thấp nhất khu vực là 36.000 đồng/kg, trong khi đó các tỉnh, thành phố khác giá lợn hơi ở mức 37.000 – 38.000 đồng/kg.

Giá thu mua gia cầm bán tại trại biến động tăng tại các vùng miền trong tháng qua do việc tiêu thụ đã thuận lợi hơn trước. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 9.000 đồng/kg lên mức 37.000 – 38.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc tăng 8.000 đồng/kg lên 29.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung và miền Nam tăng 13.000 đồng/kg lên 27.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá trứng gà miền Bắc và miền Trung giảm 350 – 400 đồng/quả xuống mức 1.300 – 1.700 đồng/quả.

Giá trứng gà miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ giảm 450 – 500 đ/quả xuống 1.300 – 1.500 đồng/quả. Nguyên nhân giá trứng giảm là do sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, lượng mua trứng để trữ sẵn trong nhà giảm. Ngoài ra, đã qua Tết Trung thu, các cơ sở sản xuất cũng giảm nhu cầu mua trứng.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 10 ước đạt 33 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 91 triệu USD, tăng 11%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 85 triệu USD, tăng 10,9%.

Tình hình nhập khẩu:

– Sản phẩm chăn nuôi NK:

Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 10 đạt 249 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản pẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2021 đạt 2,9 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 1 tỷ USD, tăng 12,1%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 18%.

– Thức ăn gia súc và nguyên liệu NK:

Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 10 đạt 410 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 10 tháng đầu năm 2021 đạt 4,2 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Áchentina (chiếm 34% thị phần), Hoa Kỳ (17%) và Braxin (12,3%). So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam từ 3 thị trường này đều tăng, mức tăng lần lượt là: 5,2%, 70,7% và 63,4%.

– Đậu tương:

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 10 đạt 140 nghìn tấn với giá trị đạt 89 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1,7 triệu tấn và 976 triệu USD, tăng 3,6% về khối lượng và tăng 49,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Hoa Kỳ, Braxin và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 với 98,5% thị phần. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu đậu tương từ Hoa Kỳ tăng 74,4%, Braxin (+58,6%) và Canada (-1,1%).

– Lúa mì:

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì tháng 10 đạt 500 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 150 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2021 đạt 4,3 triệu tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 68% về khối lượng và tăng 89,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn nhập khẩu lúa mì chính của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 là từ các thị trường: Ôxtrâylia (chiếm tỷ trọng 73,1%), Hoa kỳ (5,5%) và Braxin (5,1%). So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu lúa mì của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 từ Ôxtrâylia tăng 416,8%; trong khi đó giá trị nhập khẩu lúa mì từ Hoa Kỳ giảm 47,3%, Braxin giảm 5,4%,

– Ngô:

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu tháng 10 đạt 750 nghìn tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 10 tháng đầu năm 2021 đạt 8,4 triệu tấn và 2,4 tỷ USD, giảm 15,4% về khối lượng nhưng tăng 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn nhập khẩu ngô của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 chủ yếu từ 3 thị trường: Achentina, Braxin và Ấn Độ chiếm 84,6% thị phần. Giá trị nhập khẩu ngô 9 tháng đầu năm 2021 từ Achentina tăng 0,3%, Braxin tăng 12,3% và Ấn Độ gấp 489,8 lần.

Nguồn: channuoivietnam.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *