Phòng chống cúm gia cầm độc lực cao A/H5N8

(Người Chăn Nuôi) – Chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện tại nước ta từ đầu tháng 6/2021, sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Việc tổ chức phòng bệnh kịp thời là vô cùng quan trọng nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi.

Ðặc điểm

Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như công báo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), sự lưu hành các chủng virus cúm gia cầm tại Việt Nam đang thuộc 2 phân nhóm chính. Ðó là nhóm virus cúm độc lực thấp (LPAI), đáng lưu ý trong đó là chủng virus H9N2 và nhóm virus độc lực cao (HPAI). Với nhóm này, H5N1 vẫn tiếp tục lưu hành với các clade như 2.3.2.1c, 1.1. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều biến chủng, tổ hợp virus mới phải kể đến như H5N6 với các clade 2.3.4.4g và 2.3.4.4h gây tỷ lệ chết cao trên gà.

Ðặc biệt, đầu tháng 7/2021, Cục Thú y đã thông báo về chủng virus cúm gia cầm mới H5N8 độc lực cao xuất hiện tại Việt Nam. Trên thế giới, virus cúm gia cầm A/H5N8 được nghiên cứu và ghi nhận chủ yếu thuộc clade 2.3.4.4b, còn tại Việt Nam cũng đang có những nghiên cứu thêm để làm rõ các đặc điểm và mức độ thiệt hại của chủng cúm mới này. Với sự biến đổi nhanh và tạo ra các tổ hợp, biến chủng mới, cúm gia cầm vẫn đang là mối đe doạ với chăn nuôi gia cầm, bởi mỗi lần xuất hiện chủng virus gây bệnh mới lại là một lần gây thiệt hại vô cùng lớn, bởi thông thường việc nghiên cứu, bào chế vaccine sẽ phải mất thời gian tính bằng năm.

Gia cầm bệnh, virus cúm gia cầm trong nước dãi, phân, nước mũi, nước mắt, máu, lông, da; Ðồng thời ở người, động vật khác; Dụng cụ, cỏ rác, bụi…. mang mầm bệnh.

 

Dấu hiệu nhận biết

Theo Cục Thú y, gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao (bao gồm chủng cúm gia cầm A/H5N8) có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1 – 3 ngày, có thể dài hơn tùy theo độc lực của virus. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột, có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày. Gia cầm mắc bệnh thường có biểu hiện đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám. Các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang.

cúm gia cầm

Cúm gia cầm vẫn là mối đe dọa lớn đối với ngành chăn nuôi gia cầm – Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, gia cầm mắc bệnh thường bị sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp, sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái, xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông, tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, năng suất trứng giảm rõ rệt ở những con gia cầm đang đẻ, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

Bệnh tích đặc trưng: Khí quản xuất huyết, đọng nhiều dịch rỉ viêm, túi khí dày đục, có ổ cazein, phổi viêm xuất huyết; Dạ dày tuyến xuất huyết, manh tràng, ruột non xuất huyết, hậu môn xuất huyết, gan, lách, thận sưng hoặc xuất huyết; Màng bao tim, cơ tim xuất huyết; Tim nhão, bao tim chứa nhiều dịch thẩm xuất màu vàng; Buồng trứng, dịch hoàn xuất huyết; Màng não xung huyết, một số xuất huyết dưới da chân.

 

Phòng chống dịch bệnh

Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khuyến nghị thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, gồm các biện pháp sau đây:

Ðối với người chăn nuôi gia cầm: Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ virus xâm nhập; Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe gia cầm; Báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho trưởng thôn hoặc cơ quan thú y địa phương và không cho phép khách vào khu vực chăn nuôi. Bệnh cúm gia cầm độc lực cao do virus gây nên, không có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, việc tiêm vaccine phòng bệnh là giải pháp tối ưu. Phương pháp hiệu quả trong việc sử dụng vaccine trong việc phòng chống bệnh cúm gia cầm trên các biến chủng mới. Trong đó, vai trò, cách thức sử dụng, lịch tiêm phòng, ứng dụng vaccine medivac AI trong kiểm soát bệnh cúm gia cầm được đánh giá cao trong tình hình hiện nay. Khi tiêm vaccine phòng bệnh cho gia cầm, cần chú ý:

• Chủ động tiêm vaccine phòng cúm gia cầm theo đúng lịch trình và dịch tễ của từng vùng, loại vaccine có thể tham khảo thú y địa phương (H5N1 hay H5N6…). (theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE) chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus cúm gia cầm A/H5N6).

• Tuân thủ đúng lịch dùng vaccine phòng các bệnh đúng thời gian, quy cách. Liều sử dụng, đường đưa vaccine đúng theo chỉ định của nhà sản xuất và hướng dẫn của thú y địa phương.

Báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho trưởng thôn hoặc cơ quan thú y địa phương để kịp thời xử lý.

Ðối với những người buôn bán gia cầm và những người bán gia cầm tại chợ: Chỉ thu gom gia cầm từ nguồn rõ ràng được và bán ở những khu vực được phép trong chợ; Không bán gia cầm bên ngoài chợ; Luôn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm; Sử dụng giày dép riêng do các trang trại chăn nuôi gia cầm cung cấp khi cần vào khu vực chăn nuôi; Luôn rửa sạch giày dép khi rời khỏi chợ có bán gia cầm.

Ðối với bác sĩ thú y và những người tham gia vào công tác đáp ứng dịch: Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm hay nghi ngờ nhiễm bệnh để giảm thiểu nguy cơ bị lây bệnh.

Ðối với cộng đồng: Thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và thường xuyên trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật. Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng. Rửa sạch và làm vệ sinh tất cả bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm. Không ăn “tiết canh” (món ăn chủ yếu được làm từ tiết của vịt). Tránh tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết.

Nếu đã tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng đường hô hấp. Báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương.

Bích Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *