Sau nhiều tháng ảnh hưởng bởi dịch viêm da nổi cục, việc tiêu thụ bò bị đình trệ, thì hiện nay người chăn nuôi tại Phú Yên tiếp tục gặp khó khăn vì bò rớt giá, khó tiêu thụ.
Chỉ từ 50.000 – 55.000 đồng/kg hơi
Ảnh hưởng dịch COVID-19, cả gia đình 4 người của bà Nguyễn Thị Kỷ ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) đều mất việc. Kinh tế khó khăn nên gia đình bà Kỷ quyết định bán bớt 1 con bò để có tiền trang trải cuộc sống. Bà Kỷ cho biết: Lúc trước mình chỉ cần gọi điện là thương lái đến tận chuồng xem, chọn mua bò. Còn bây giờ gọi mấy người vẫn chưa bán được, người thì không mua, người thì trả quá rẻ. Cũng theo bà Kỷ, con bò thịt giống BBB của bà trước đây có người hỏi mua với giá 40 triệu đồng, nhưng bà không bán, còn bây giờ thương lái chỉ trả 33 triệu đồng.
Nông dân Phú Yên chăm sóc bò. Ảnh: Nguyễn Chương
Mới đây, gia đình ông Lê Văn Hòa ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) bán con bò được 30 triệu đồng. Ông Hòa cho hay: Trước đây bò hơi có giá từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, nhưng bây giờ chỉ 55.000 đồng/kg đối với những con bò có mã đẹp, nhiều thịt; còn bò xấu, tỉ lệ thịt thấp thì chỉ 50.000 đồng/kg hơi. Con bò nhà tôi nuôi hơn 1,5 năm, ước trọng lượng trên 600 kg, nhưng thương lái chỉ mua 30 triệu đồng. Biết bị ép giá, nhưng giờ mình đang cần tiền, bò lại khó bán nên đành chịu.
Theo ông Bốn Thoại ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), chuyên thu mua bò đưa ra tỉnh ngoài tiêu thụ, trước đây mỗi ngày ông đi 1 xe, có ngày đi 2 xe bò mới đủ cung cấp cho lò mổ ở tỉnh Lâm Đồng. Nhưng nay, do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh nên phải 3 – 4 ngày ông mới đi 1 xe, với khoảng 6-8 con bò thịt. “Cả tháng qua, nhiều hộ nuôi bò điện thoại kêu bán nhưng giờ đầu ra rất hạn chế nên tôi chỉ mua cầm chừng theo đơn đặt hàng của các mối quen chứ không dám “ôm” như lúc trước”, ông Thoại nói.
Trông vào thị trường cuối năm
Mặc dù giá bò đang hạ thấp nhưng hầu hết các hộ chăn nuôi bò đều duy trì đàn, hy vọng vào thị trường cuối năm. Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Nuôi bò so với nuôi heo hay gà đều dễ chịu hơn vì bò đến thời điểm xuất chuồng mà chưa bán được thì cũng không sao, nuôi thêm sẽ giúp tăng tỉ lệ thịt, bán được giá hơn. Vì vậy trong thời điểm giá bò đang hạ thấp, gia đình tôi không bán, giữ lại toàn bộ đàn, nuôi vỗ béo đến tết bán, khả năng lúc đó giá sẽ tăng trở lại.
Tại huyện Tuy An, địa phương có đàn bò cao nhất tỉnh với khoảng 35.000 con, người nuôi bò ở huyện này áp dụng nhiều cách giảm chi phí chăn nuôi để duy trì đàn. Ông Trần Xuân Thắng ở xã An Nghiệp cho biết: Hiện nay, khi bò đang mất giá, người nuôi bò tìm mọi cách để giảm chi phí đầu tư. Ngoài cho ăn cỏ, rơm rạ tận dụng thì gia đình chỉ bổ sung cho bò bằng cháo cám gạo tự nấu thay vì cho ăn cám tổng hợp như lúc trước. Thỉnh thoảng cho uống nước muối pha loãng, vitamin để tăng sức đề kháng cho bò.
Không chỉ duy trì đàn, lúc này, tranh thủ giá bò giống đang hạ thấp nhiều người đầu tư tăng đàn. Theo bà Nguyễn Thị Nhạn ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), trước đợt dịch, gia đình bà bán 2 con bò thịt được hơn 90 triệu đồng. Sau đó, dịch viêm da nổi cục xảy ra nên bà do dự chưa mua giống lại. “Bây giờ dịch bệnh đã hết, giá giống lại hạ nên tôi mua luôn 3 con, tăng đàn lên 5 con. Nếu nuôi tốt từ giờ đến tết, tôi cũng có được 2 con bò thịt đạt tiêu chuẩn xuất chuồng”, bà Nhạn cho biết.
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An Nguyễn Trọng Hùng, chăn nuôi bò đã trở thành nghề truyền thống của địa phương từ nhiều năm nay nên người dân có kiến thức, kinh nghiệm nuôi bò mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, khi bò mất giá, người nuôi bò của địa phương vẫn tiếp tục duy trì và giữ vững đàn nuôi. Bà con có nhiều biện pháp để thích nghi như thay đổi khẩu phần ăn, ủ chua phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn, tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi bò…
>> Theo Sở NN-PTNT, đàn bò toàn tỉnh có khoảng 170.000 con, tập trung nhiều nhất ở các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa… Hiện nay là thời điểm người chăn nuôi sản xuất cho vụ tết nhưng giá lại giảm khiến nhiều người lo lắng. Tuy vậy, người dân vẫn duy trì đàn với hy vọng giá sẽ tăng khi nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp cuối năm và tết.
Thủy Tiên
Nguồn: Báo Phú Yên