Trong các tháng tới, để góp phần giúp ổn định sản xuất của ngành, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần có hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn để duy trì đủ nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất về giống, thức ăn, máy móc thiết bị, vật tư,…để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất trong mọi tình huống.
Chiều 25/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, trong 9 tháng năm 2021, ngành chăn nuôi vẫn cơ bản phát triển ổn định. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, đồng thời, về trứng, đạt trên 12 tỷ quả, sữa đạt gần 900 nghìn tấn. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con, tăng 5%. Những tỉnh, thành phố có đàn lợn lớn như: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa. Sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn.
Bên cạnh đó, với đàn bò, đạt gần 6,3 triệu con, tăng 1,8%, trong đó đàn bò sữa trên 331 nghìn con. Đàn trâu khoảng 2,34 triệu con, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi và trung du, chiếm 55,3%.
Đáng chú ý, tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng thông tin, vừa qua nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30% (khoảng 1,5 triệu con, khối lượng trên 120 – 160 kg/con) nên có giá 30 – 35 nghìn đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá đã tăng dao động từ 35.000 – 45.000 đg/kg tùy từng vùng.
Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ và các siêu thị khu vực nội thành của hai thành phố gồm: thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, nguyên nhân do khâu lưu thông phân phối. Trong khi đó, các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn (không phải vận chuyển đi xa) giá thịt lợn từ 80 – 90 nghìn đồng/kg là mức giá hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng.
Về giá sản phẩm gia cầm, giá gà công nghiệp lông trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía Bắc khoảng 15 – 20 nghìn đồng/kg; các tỉnh phía nam 6 – 10 nghìn đồng/kg. Những ngày gần đây tại các tỉnh đã tăng trở lại với 27 – 30 nghìn đồng/kg. Giá gà lông màu không có nhiều biến động, dao động từ 50 – 55 nghìn đồng/kg tại miền Bắc. Từ tháng 9 đến nay giá vịt 40 – 45 nghìn đồng/kg,…
Dự kiến, giá lợn thịt xuất chuồng và gà xuất chuồng sẽ tăng trở lại khoảng 2 tuần tới khi kiểm soát tốt được dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thời gian qua, ngành chăn nuôi cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, do dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động;… dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt từ 30 – 50%.
Đối với người sản xuất, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa. Trong khi đó, chi phí sản xuất phát sinh quá lớn, một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Mộ trong những khó khăn nữa là việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gặp nhiều vướng mắc, phát sinh chi phí lớn. Nhiều doanh nghiệp không thể bố trí đủ cơ sở vật chất để thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức này.
Trong các tháng tới, để góp phần giúp ổn định sản xuất của ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần có hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn để duy trì đủ nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu.
Các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất (giống, thức ăn, máy móc thiết bị, vật tư,…) để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống. Các địa phương đã khống chế được dịch COVID-19 cần đẩy mạnh phát triển sản xuất để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch COVID-19 chưa được khống chế.
Đặc biệt, tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ và phát triển một số loại vật nuôi lợi thế trong điều kiện có dịch COVID-19 và sau dịch. Tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình chăn nuôi ăn toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, tăng cường chăn nuôi theo hướng hữu cơ trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.
Tại Hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp đã nêu các ý kiến cần được quan tâm để khắc phục những bất cập hiện nay. Theo đó, việc xuống giá một số sản phẩm chăn nuôi do tác động của dịch COVID-19 và do chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu thông tin. Dẫn đến người dân đổ xô bán nên giá xuống rất nhanh. Do đó, cần có những thông tin kịp thời, chính thống đến sớm với người chăn nuôi, tránh đổ xô theo trào lưu.
Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y có nhiều chương trình hợp tác, xúc tiến thị trường, thông tin cho các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam. Để từ đó, các doanh nghiệp có thông tin để cùng tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do ảnh hưởng của COVID-19, tiêu thụ nông sản nói chung và thịt lợn, gia cầm nói riêng có những ảnh hưởng nhất định. Những ngày gần đây, giá thịt lợn tăng trở lại theo từng ngày, giá gà công nghiệp cũng đã tăng. Do đó, chúng ta cần phải tính toán để từ nay đến Tết đảm bảo nguồn cung thực phẩm.
Từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cao, phức tạp. Nếu không làm tốt về công tác thú y sẽ không đảm bảo hệ thống phòng chống dịch bệnh. Hiện tỷ lệ tiêm vắc xin phòng cho gia súc, gia cầm ở các địa phương chưa cao trong khi chỉ có vắc xin mới đáp ứng được việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời cần đảm bảo quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, sức khỏe đàn vật nuôi. Với những cơ sở an toàn dịch bệnh đã xây dựng được phải duy trì và củng cố phát triển, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu./.
BT