Phòng tránh hiện tượng cắn mổ nhau ở gà

Mổ cắn nhau là hiện tượng rất phổ biến khi chăn nuôi gà, nhất là trong điều kiện nuôi tập trung, nuôi công nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và hiệu quả kinh tế.

Nguyên nhân

Mật độ đàn lớn: Thực tế đã cho thấy, mật độ nuôi càng lớn thì tỷ lệ cắn mổ nhau càng nhiều. Do chuồng nuôi và không gian chuồng chật chội sẽ hạn chế tập quán bới tìm và làm tổ của gà.

Quá nóng: Thời tiết hay nhiệt độ chuồng nuôi quá nóng làm cho gà càng bức bối và trở lên hung dữ hơn.

Quá sáng: Ánh sáng rất cần thiết trong chuồng nuôi, tuy nhiên, ánh sáng quá mạnh và kéo dài sẽ làm gà căng thẳng hơn, kích thích hiện tượng cắn mổ nhau.

Thức ăn và nước uống: Thiếu thức ăn và nước uống hay thiếu không gian của máng ăn và máng uống, trong tình trạng này gà phải đánh nhau để tranh giành thức ăn và nước uống, những con yếu dễ bị thương tích; Máu và vết thương là yếu tố kích thích hiện tượng cắn mổ nhau ở cả đàn.

Khẩu phần mất cân bằng: Ðiển hình như khẩu phần có thể giàu năng lượng, thấp xơ, thiếu protein và thiếu một số chất dinh dưỡng khác như vitamin, chất khoáng, các nguyên tố vi lượng.

Nuôi nhiều lứa cùng một đàn: Việc nuôi chung nhiều lứa gà hay nuôi những con gà có đặc điểm ngoại hình khác nhau vào chung một đàn, những đặc điểm này kích thích tính “tò mò” của gà, dẫn đến gà mổ cắn nhau.

Gà có tính dữ: Không cắt mỏ cho gà.

Vết thương: Trong đàn có những con dị tật hay thương tích, những con gà này vừa là nạn nhân vừa là nhân tố kích thích sự mổ cắn nhau.

 

Biểu hiện

Biểu hiện của bệnh rất đặc trưng và có thể nhận biết bằng mắt thường. Hiện tượng xảy ra thường bắt đầu từ việc một số con vật trong đàn mổ lông nhau, rồi mổ ngón chân, mổ mào, mổ đuôi và đặc biệt mổ hậu môn của nhau, cắn xé, thậm chí là ăn thịt ở một số bộ phận như ngón chân, mào, đuôi hay hậu môn. Ðặc biệt, khi trong đàn có một con có vết thương bị chảy máu, thì cả đàn nuôi sẽ bị kích thích và chúng tập trung vào việc cắn mổ vết thương của con vật đó.

 

Khắc phục

– Cách ly những con gà cắn mổ nhau, sau đó sử dụng thuốc Xanh methylen để bôi vào trên vết thương của gà.

– Giảm mật độ nuôi.

– Giữ chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi thường xuyên sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng.

– Ðảm bảo cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho gà. Bổ sung thêm chất khoáng và vitamin dưới dạng Premix vào khẩu phần ăn hàng ngày. Có thể sử dụng thêm rau xanh hoặc thân cây chuối cho gà ăn.

– Hạn chế những tác động làm cho đàn gà sợ hãi và bị xáo trộn.

– Ðiều chỉnh lại ánh sáng, nhiệt độ và ẩm độ trong chuồng nuôi cho thích hợp.

 

Phòng ngừa

– Người nuôi cần chú ý điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp, đảm bảo chuồng trại phải thông thoáng, hạn chế ánh nắng trực tiếp chiếu vào trong quá lâu.

– Kiểm tra chất lượng thức ăn thường xuyên, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho đàn gà, nhất là trong giai đoạn mọc lông, khi gà hậu bị đang thay lông và giai đoạn gà đẻ trứng cho năng suất cao.

– Cung cấp đầy đủ nước uống sạch sẽ cho đàn gà.

– Gà bị hấp dẫn bởi máu và vết thương, do vậy cần nhanh chóng loại bỏ khỏi đàn những con bị thương.

– Cắt mỏ: Là biện pháp phổ biến để ngăn ngừa hiện tượng cắn mổ nhau ở gà. Gà nuôi thịt cắt mỏ lúc 10 – 12 ngày tuổi, gà hậu bị cắt lúc 7 – 8 tuần hay 12 – 16 tuần.

PGS .TS Phạm Ngọc Thạch

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *