Vào thời điểm này, nhiều người dân xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) đang bước vào lứa tằm vụ hè thu. Nhờ thời tiết thuận lợi, dâu đạt năng suất cao, tằm ít bệnh, giá kén cũng tăng cao, nên bà con rất phấn khởi.
Đến thời điểm hiện tại, giá thu mua kén tăng mạnh, cán mốc 156.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, kén tằm được các thương lái thu gom tại chỗ, nên việc tiêu thụ của người dân khá thuận lợi.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, ở thôn Phú Hòa, xã Quảng Phú, trồng được 1,2 ha dâu. Hiện đang là mùa mưa, nên cây dâu phát triển tốt, đủ thức ăn để ông nuôi 4 hộp trứng tằm/lứa.
Sau gần 20 ngày, mỗi hộp tằm ông thu được 60 kg kén. Với giá bán hiện tại, mỗi lứa tằm, ông thu về trên 37 triệu đồng. Đây cũng là mức thu nhập cao nhất trong nhiều năm qua đối với nghề nuôi tằm.
Ông Nguyễn Quốc Thắng ở thôn Phú Hòa, xã Quảng Phú (Krông Nô) sử dụng giống dâu năng suất cao để nuôi tằm
Ông Thắng cho biết: “Mỗi năm tôi nuôi từ 5 – 6 lứa tằm, sản lượng kén đạt 240 kg. Với giá bán trên 150.000 đồng/kg, mỗi năm trừ mọi chi phí, tôi cũng thu về trên 250 triệu đồng”.
Còn gia đình bà Ngân Thị Tuyết, cũng ở thôn Phú Hòa, trồng 7 sào dâu. Mỗi tháng bà nuôi gần 2 hộp tằm. Theo bà Tuyết, năm ngoái, giá kén cao nhất chỉ đạt 120.000 đồng/kg, có thời điểm giảm xuống 80.000 đồng/kg.
Còn năm nay, kén tăng giá tầm 50.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình bà sản xuất tằm khá thuận lợi. Bà được các doanh nghiệp cung ứng giống, kỹ thuật và thu mua kén tại chỗ.
Bà Ngân Thị Tuyết ở thôn Phú hòa xã Quảng Phú (Krông Nô) có thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng/tháng nhờ nuôi tằm
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dâu tằm tơ Hợp Lực (Quảng Phú), giá kén tằm tăng mạnh là do thị trường xuất khẩu tơ tằm đang có những khởi sắc.
Trên địa bàn Quảng Phú hiện có trên 60 hộ trồng dâu nuôi tằm, với khoảng 80 ha dâu. Nhờ vòng quay lứa tằm ngắn, chỉ có 20 ngày, nên nuôi tằm rất phù hợp với điều kiện và nhu cầu thu nhập của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hiện người dân địa phương đang tận dụng triệt để những diện tích đất nhỏ hẹp, đất dốc, bạc màu, không phù hợp với các loại cây trồng khác để trồng dâu, nuôi tằm.
Bênh cạnh đó, nghề trồng dâu nuôi tằm tại Quảng Phú bước đầu đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, phù hợp với các hộ ít đất sản xuất.
Người dân mang sản phẩm đến xuất bán tại cơ sở thu mua trên địa bàn
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, người dân và Hợp tác xã vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đó là hình thức tổ chức sản xuất còn mới mẻ, chưa phát huy hiệu quả.
Các hộ trồng dâu nuôi tằm chưa chủ động được nguồn giống, chất lượng giống không đồng đều. Ngoài ra, quá trình vận chuyển giống tằm từ Lâm Đồng về địa phương khá xa, ảnh hưởng đến chất lượng con giống.
Thời gian qua, huyện Krông Nô đang nỗ lực xây dựng, phát triển các làng nghề trồng dâu nuôi tằm nhằm khai thác lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương.
Kén tằm được thu gom chờ xuất bán cho các nhà máy sản xuất
Đến nay, trên địa bàn huyện bắt đầu hình thành vùng nguyên liệu tằm. Huyện định hướng người dân liên kết để sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong lĩnh vực này.
Hiện nay, huyện đã xây dựng khu ươm tằm giống và đang đào tạo nghề để đưa cơ sở vào hoạt động, phục vụ giống tằm cho người dân.