(Người Chăn Nuôi) – Sau nhiều năm sử dụng quá nhiều kháng sinh, Trung Quốc đang dần kiểm soát tốt hơn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, năm 2019, lượng sử dụng kháng sinh giảm đáng kể, đặc biệt trong ngành chăn nuôi.
Siết quản lý bằng luật
Cách đây 10 năm, Trung Quốc tiêu thụ một lượng kháng sinh khổng lồ và các phương pháp thực hành an toàn sinh học mặc dù đã được áp dụng nhưng không phải lúc nào cũng được thực hiện triệt để. Năm 2021 đã mở ra một bức tranh mới cho ngành chăn nuôi Trung Quốc. Những đại dịch như Dịch tả heo châu Phi (ASF) hay Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo (PRRS) vẫn còn tồn tại dai dẳng, nhưng cũng nhờ đó, ngành chăn nuôi của Trung Quốc đã phát huy sức sáng tạo và đổi mới an toàn sinh học nhằm cải thiện sức khỏe của vật nuôi. Tuy nhiên, quan trọng hơn, Chính phủ Trung Quốc đã từng bước cắt giảm lượng sử dụng kháng sinh.
Theo ước tính của Viện Khoa học Trung Quốc, năm 2013, quốc gia này đã sử dụng gần một nửa lượng kháng sinh toàn cầu; 52% trong số đó, tương đương 97.000 tấn để phục vụ ngành chăn nuôi. Và đây cũng là nguy cơ chủ yếu dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Chính phủ Trung Quốc đã từng bước cắt giảm lượng sử dụng kháng sinh
Trong một báo cáo trên Nature tháng 9/2019, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã công bố số liệu chính thức về lượng kháng sinh trong chăn nuôi. Cụ thể, từ năm 2014 – 2018, tiêu thụ kháng sinh ngành nông nghiệp Trung Quốc đã giảm 57% xuống dưới 30.000 tấn ngay sau khi Trung Quốc siết chặt quản lý bằng luật. Dù lượng kháng sinh giảm, nhưng nếu xét đến quy mô của ngành nông nghiệp Trung Quốc thì con số này vẫn chưa thấm vào đâu. Ngày 30/4/2017, Chính phủ Trung Quốc cấm sử dụng colistin làm chất kích thích tăng trưởng để kiểm soát lây lan virus kháng thuốc.
Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn kháng kháng sinh (2017 – 2020) đã được thực hiện để giảm kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi vào năm 2020 gồm 3 sáng kiến chủ đạo sau: Thu hồi tất cả loại thuốc kích thích tăng trưởng trong thức ăn, trừ các thuốc truyền thống của Trung Quốc và đưa vào bộ luật quản lý vào ngày 1/7/2020. Từ ngày này, tất cả thức ăn chăn nuôi không được phép chứa kháng sinh, mà kháng sinh chỉ được dùng để chữa bệnh. Tiếp theo, sửa đổi các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nên kháng sinh chỉ được dùng để ngăn chặn hoặc trị bệnh, không được dùng để kích thích tăng trưởng. Và cuối cùng, chỉ phê duyệt kháng sinh làm thuốc thú y, không phê duyệt cho các mục đích làm phụ gia thuốc thú y.
Thách thức phía trước
Từ khi lệnh cấm các loại thuốc kháng sinh được thực thi, nhiều công ty tại Trung Quốc đã tập trung sản xuất các sản phẩm cải thiện tăng trưởng và tăng cường sức khỏe cho vật nuôi mà không để lại nguy cơ kháng thuốc.
Dù Trung Quốc đã đạt được những kết quả đáng chú ý về giảm sử dụng kháng sinh, nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Theo Giáo sư Thomas Van Boeckel, chuyên gia dịch tễ học tại ETH Zurich đang theo dõi lượng tiêu thụ kháng sinh của thế giới, thì dữ liệu minh bạch chính là chìa khóa. Chia sẻ trên Nature, ông lập luận rằng là nước tiêu thụ kháng sinh lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ làm tốt để giữ vai trò dẫn đầu trong hệ thống giám sát kháng kháng thuốc và công bố dữ liệu minh bạch.
Ngành chăn nuôi Trung Quốc cũng đối mặt nhiều thách thức. Jingyan Sun và Chenjun Pan, chuyên gia tại Rabobank kỳ vọng, lượng kháng sinh sử dụng tại trại nuôi và các đợt bùng phát dịch bệnh có thể là đòn giáng nặng nề hơn. Theo hai chuyên gia này, an toàn sinh học vẫn là chìa khóa: Các trang trại không thực hiện các giải pháp an toàn sinh học đúng đắn sẽ chịu áp lực lớn trong khi những trang trại an toàn sinh học tốt hơn và quản lý tốt hơn sẽ hưởng lợi.
>> Jingyan Sun và Chenjun Pan, chuyên gia tại Rabobank cho rằng: Lệnh cấm sử dụng kháng sinh của Trung Quốc tạo cú hích cho sự phát triển các loại phụ gia thức ăn thay thế và thúc đẩy các doanh nghiệp nước này chú trọng các lĩnh vực như: Nâng cấp công thức thức ăn; Đầu tư vào R&D và thay thế kháng sinh; Quản lý sản xuất thức ăn.
Tuấn Minh
(Theo Pigprogress)