Xử lý khi mỏ và chân bồ câu nổi nốt mụn

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Trên mỏ và chân bồ câu nổi các nốt mụn to bằng hạt đậu, đã chết 2 con. Hỏi đây là bệnh gì và cách điều trị ra sao?

Trả lời:

Theo mô tả, bồ câu có thể đã mắc bệnh đậu. Bệnh do virus thuộc nhóm Avipox gây ra. Khi nhiễm bệnh, trên da bồ câu hình thành các mụn đậu ở các vị trí như mào, yếm, khóe mắt, khóe miệng, mặt trong cánh, quanh hậu môn và da chân. Khi mới xuất hiện, chỉ là những nốt sần nhỏ, có màu nâu xám hay xám đỏ, sau đó to dần như hạt đậu, da sần sùi. Các nốt đậu mọc ở mắt làm chim khó nhìn, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, nước mũi, làm khó thở. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng hoặc dùng các loại kháng sinh để phòng bội nhiễm. Ðối với mụn đậu ngoài da có thể bóc vảy, làm sạch các mụn đậu rồi bôi các chất sát trùng nhẹ như Glycerin 10%, thuốc tím CuSO4 5% hoặc Xanh Methylen để bôi ngoài da. Thể niêm mạc có thể lấy bông làm sạch màng giả ở miệng rồi bôi các chất sát trùng nhẹ hay kháng sinh. Nếu đau mắt có thể dùng thuốc nhỏ mắt hoặc sử dụng thuốc mỡ Tetracyclin 1% để bôi.

Ðiều trị nhiễm khuẩn thứ phát: Sử dụng một trong hai kháng sinh sau đây tiêm hoặc pha nước cho uống: Tiamulin, liều 10 mg/kg trọng lượng, tiêm bắp liên tục 3 – 4 ngày hoặc liều 1 g/lít nước cho uống liên tục 3 – 4 ngày; Oxytetracyclin, liều 20 mg/kg trọng lượng, tiêm bắp liên tục 3 – 4 ngày. Cùng với đó, cần bổ sung Vitamin B1, C, A, D. Nuôi dưỡng và chăm sóc tốt chim bệnh. Các chất thải của chim bồ câu, ổ đẻ cần đốt hết. Phun sát trùng tiêu độc thường xuyên trong thời gian chim bồ câu bị bệnh. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng (cho ăn, uống tốt, bổ sung các thuốc trợ sức, trợ lực) để tăng sức đề kháng cho chim bồ câu.

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *