Linh hoạt vừa chống dịch, vừa sản xuất

(Người Chăn Nuôi) – Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng cho đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tạp chí Người Chăn nuôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam để hiểu thêm về những giải pháp linh hoạt của C.P. Việt Nam.

ông vũ anh tuấn C.P Việt NamDiễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã có những tác động lớn đến ngành chăn nuôi Việt Nam. Trong tình hình đó, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã phải chịu những ảnh hưởng nào, thưa ông?

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều mặt đến ngành chăn nuôi Việt Nam và C.P. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là vấn đề vận chuyển lưu thông và phân phối các sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm giết mổ chế biến. C.P. Việt Nam hoạt động theo mô hình chuỗi 3F (Feed – Farm – Food), từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, đến con giống, chăn nuôi và giết mổ chế biến, nên tất cả các khâu trong chuỗi đều có sự gắn kết, ảnh hưởng lẫn nhau. Chính vì vậy, bất kỳ một khâu nào, dù là sản xuất hay vận chuyển gặp khó khăn, gián đoạn thì đều ảnh hưởng đến toàn chuỗi. Thứ hai là để đảm bảo an toàn và phù hợp với các quy định của Nhà nước về vấn đề phòng chống dịch COVID-19, Công ty đã áp dụng các giải pháp về sản xuất “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”, điều này làm chi phí tăng lên đáng kể. Khó khăn thứ ba là do COVID-19 nên chuỗi cung ứng đứt gãy, đồng thời cũng làm cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân giảm mạnh, theo đó giá đầu ra bị giảm sâu, một số sản phẩm chăn nuôi bị tồn đọng và khó bán.

 

Ông có thể nói rõ thêm về những khó khăn đặc biệt của C.P. Việt Nam khi thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”?

Như đã nói ở trên, C.P. Việt Nam hoạt động theo chuỗi, có các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, các nhà máy giết mổ, các nhà máy chế biến và cả trang trại. Vì thế khi thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn vì phải lo chỗ ăn, chỗ nghỉ, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công nhân viên. Bên cạnh đó, Công ty cũng phải thêm các khoản chi phí khác như hỗ trợ, trợ cấp cho cán bộ, công nhân viên khi làm việc “3 tại chỗ”. Ngoài ra, Công ty cũng có hỗ trợ thêm công nhân của nhà thầu làm việc trong nhà máy hoặc một số nhà máy không đủ chỗ ăn, nghỉ nên cũng phải thuê thêm các nhà nghỉ hay khách sạn bên ngoài và áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến”. Tất cả điều này khiến chi phí chăn nuôi và sản xuất đều tăng lên.

C.P. Bình Phước "3 tại chỗ"

Dây chuyền sản xuất thịt gà ở CPV Food, Bình Phước

 

Nhiều chuyên gia dự báo, dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài. Vậy để chủ động thích ứng với tình hình đó, C.P. Việt Nam có những giải pháp gì để vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất an toàn?

Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Với C.P. Việt Nam, Công ty tiếp tục thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền địa phương trong việc phòng chống dịch. Công ty cũng động viên cán bộ, công nhân viên cùng cố gắng hết sức để giữ gìn an toàn tốt nhất cho bản thân và gia đình trước dịch bệnh. Về các chính sách, chủ trương của Tập đoàn, Ban lãnh đạo là phải đảm bảo các hoạt động sản xuất toàn chuỗi của Công ty không bị đứt gãy, gián đoạn. Công ty cũng đã lên sẵn các phương án đề phòng rủi ro trong quá trình chăn nuôi hoặc sản xuất. Ví dụ như ngoài thực hiện “3 tại chỗ” thì cũng có triển khai thêm một số hoạt động khác như: Chia ca, chia tổ, chia nhóm, chia cung giờ làm việc khác nhau… Trường hợp có một tổ, nhóm không may có F0 hay F1 phải đi cách ly thì sẽ có một tổ khác, nhóm khác hoặc lao động bên ngoài sẵn sàng hỗ trợ để hoạt động được liên tục.

C.P. Hòa Bình

C.P. Việt Nam – Chi nhánh Xuân Mai, Hà Nội đạt Danh hiệu “Vùng xanh doanh nghiệp”

 

Ông có thể chia sẻ thêm về hướng phát triển của C.P. Việt Nam thời gian tới ở thị trường trong nước và xuất khẩu?

Thời gian qua, C.P. Việt Nam cũng đang thúc đẩy phát triển theo hai hướng. Với thị trường trong nước, Công ty đẩy mạnh vấn đề về giết mổ, chế biến thực phẩm và chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm. Còn đối với thị trường xuất khẩu, Công ty đã đầu tư rất nhiều dự án cho xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Cụ thể là Dự án chăn nuôi chế biến và giết mổ gà CPV Food ở Bình Phước. CPV Food là tổ hợp khép kín gồm: 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 5 trại gà giống bố mẹ, 1 nhà máy ấp trứng, 24 trại gà thịt và 1 nhà máy giết mổ – chế biến thịt gà. Dự án có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm. Dự án đã đi vào hoạt động và hiện đang xuất khẩu sang một số thị trường như Hồng Kông và một số nước ASEAN… Ngoài ra, Công ty cũng đang tích cực tìm kiếm và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác.

Hiện nay, do COVID-19 nên việc xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn vì các đối tác nước ngoài không thể sang thăm và đánh giá nhà máy được. Hy vọng khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế phần nào, các đường bay được nối lại, các chuyên gia có thể sang đánh giá nhà máy thì việc xuất khẩu sẽ trở nên thuận lợi hơn.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam muốn phát triển bền vững thì phải giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, quan điểm của ông về điều này?

Việc đặt mục tiêu chăn nuôi hạ giá thành là chính sách đúng. Các doanh nghiệp hiện đã và đang phải tính đến phương án này. Giá thị trường, đầu vào, đầu ra rất khó chủ động vì vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ nước ngoài (khoảng hơn 80%). Do đó, cái mà chúng ta chủ động được là làm sao để chăn nuôi tăng năng suất và giảm giá thành. Do đó chủ trương giảm giá thành là hoàn toàn đúng đắn.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam: “Trong chăn nuôi, con heo, con gà một ngày không thể không có người chăm sóc nên tại các trang trại của C.P. Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động phòng chống COVID-19 rất cẩn thận, kỹ càng. Công ty chia ca, chia tổ, chia nhóm để đề phòng trường hợp tổ nào, ca nào không may có F0 hay F1 phải đi cách ly thì sẽ có tổ khác, ca khác sẵn sàng hỗ trợ thay thế, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất được liên tục, không bị đứt gãy và gián đoạn”.

Hồng Thắm

(Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *