Ia Grai (Gia Lai): Mô hình trồng dâu nuôi tằm có nguy cơ phá sản

Từ năm 2019, huyện Ia Grai đã triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm với quy mô 14,6 ha tại các xã: Ia Bă, Ia Hrung, Ia Grăng và Ia Pếch. Tuy nhiên, do không tìm được đầu ra sản phẩm nên hiện chỉ còn một số hộ tại xã Ia Bă và Ia Pếch duy trì mô hình này.

Bà Nguyễn Thị Duyên (làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă) cho biết: Gia đình bà có 1,2 ha cà phê trồng từ năm 1996 nên năng suất rất thấp. Năm 2019, bà chuyển đổi 2 sào cà phê sang trồng dâu nuôi tằm. Mỗi tháng, bà thu 50 – 60 kg kén và bán với giá 120 – 140 ngàn đồng/kg. Song 2 năm gần đây, giá kén chỉ còn 50 – 114 ngàn đồng/kg. Theo bà Duyên, nguyên nhân là do trên địa bàn huyện chưa có đơn vị đứng ra thu mua nên phải vận chuyển sản phẩm sang tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ.

nuôi tằm

Bà Nguyễn Thị Duyên (làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă) mong chính quyền giúp người dân liên kết được với doanh nghiệp uy tín để bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Nhật Hào

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bổng cũng cho biết: “Mỗi lứa tằm, gia đình tôi thu 50 – 60 kg kén. Tuy nhiên, có nhiều lứa vì nhập phải trứng tằm kém chất lượng dẫn tới trứng hỏng nhiều nên năng suất đạt thấp. Bên cạnh đó, tôi phải bán sản phẩm cho những người thu mua tự do với giá thấp hơn thị trường 20 ngàn đồng/kg. Tôi mong chính quyền địa phương giới thiệu, kết nối với doanh nghiệp có uy tín về cung cấp nguồn giống cũng như bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định để yên tâm sản xuất”.

Ông Nguyễn Văn Tuỵn-Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm xã Ia Bă – cho hay: Năm 2019, xã đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm với sự tham gia của 19 hộ trên diện tích hơn 6 ha. Các hộ được huyện hỗ trợ một phần kinh phí để mua vật tư và được hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá sản phẩm không ổn định, có thời điểm chỉ ở mức 50-60 ngàn đồng/kg kén. Trên địa bàn chưa có đơn vị làm đầu mối thu mua nên nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá. Ngoài ra, hộ nuôi tằm cũng chưa tìm được đơn vị cung ứng giống đảm bảo chất lượng dẫn tới ảnh hưởng đến năng suất. “Nghề trồng dâu nuôi tằm vốn đầu tư thấp, nhanh cho thu nhập. Vì vậy, nhiều hộ muốn mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm. Song hầu hết đều mong muốn Nhà nước giới thiệu doanh nghiệp có uy tín liên kết cấp giống và thu mua sản phẩm ổn định giúp người dân yên tâm sản xuất” – ông Tuỵn nói.

Nói về mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Bổn-Chủ tịch UBND xã Ia Bă-thông tin: Do đầu ra chưa ổn định nên nhiều hộ không duy trì mô hình này. Qua thống kê, toàn xã chỉ còn 4 hộ trồng dâu nuôi tằm với diện tích hơn 1 ha. Xã mong các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện giúp người dân liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm để yên tâm sản xuất, từng bước chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao thu nhập.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Thu Hằng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai – cho biết: Từ năm 2019, huyện đã triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm với quy mô 14,6 ha tại các xã: Ia Bă, Ia Hrung, Ia Grăng và Ia Pếch. Huyện cũng đã giới thiệu Công ty cổ phần dâu tằm tơ Mang Yang liên kết sản xuất với các hộ dân. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp chưa thống nhất được điều kiện mua bán. Cùng với đó, giá cả thị trường không ổn định nên đến nay chỉ còn một số hộ tại xã Ia Bă và Ia Pếch duy trì mô hình này. “Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện là rất lớn. Vì vậy, huyện cũng mong tỉnh giới thiệu các doanh nghiệp uy tín để người dân yên tâm liên kết sản xuất nhằm góp phần mở rộng diện tích và hướng đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả” – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin.

Nhật Hào

Nguồn: Báo Gia Lai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *