Tận dụng diện tích đồi rừng lớn, có nhiều sông, suối… một số hộ dân ở huyện vùng cao Võ Nhai đã đầu tư chăn nuôi trâu với số lượng lớn theo hướng bán chăn thả. Qua đó, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đi trên tuyến đường tỉnh 265 (từ thị trấn Đình Cả đến xã Bình Long, Võ Nhai), chúng tôi bắt gặp đàn trâu khoảng 100 con đang thong thả gặm cỏ trên cánh đồng Mỏ Miễu, xã Tràng Xá. Hỏi chuyện người dân sống ở ven đường, chúng tôi được biết, đó là đàn trâu thuộc quyền sở hữu của một số hộ dân trong xã Tràng Xá. Người có nhiều trâu nhất trong số đó là ông Chu Văn Đoan, dân tộc Tày, xóm Đồng Mỏ với 37 con.
Ông Hoàng Văn Đạo, ở xóm Đồng Danh, xã Tràng Xá (Võ Nhai) kiểm tra số lượng trâu sau khi chăn thả về.
Nói về cơ duyên gắn bó với con trâu, ông Đoan chia sẻ: Nhiều năm trước đây, trong xóm nhà nào cũng nuôi từ 1 – 2 con trâu nhưng chủ yếu dùng để lấy sức kéo chứ chưa ai nghĩ đến phát triển kinh tế từ loại vật nuôi này. Năm 2009, nhận thấy nhiều hộ dân trong vùng trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu và có thu nhập ổn định, tôi cũng quyết định đầu tư nuôi 9 con trâu sinh sản và trồng 6 sào cỏ voi để làm thức ăn cho trâu. Mỗi năm, trâu đẻ được 9 con nghé, khi nghé được hơn 2 tuổi tôi giữ lại một nửa để nuôi, còn lại bán đi để trang trải cuộc sống gia đình. Trong vòng 12 năm qua, tôi đã bán tổng cộng 71 con trâu, với giá trung bình 20 triệu đồng/con.
Thả cùng bãi với ông Đoan là đàn trâu của ông Hoàng Văn Đạo, ở xóm Đồng Danh. Ông Đạo chăn nuôi trâu theo hướng hàng hoá từ hơn 10 năm nay. Trung bình mỗi năm, ông bán 7 con trâu và thu về được trên 140 triệu đồng. Đặc biệt, đầu năm nay, ông Đạo bán được 12 con, trong đó có 2 cặp trâu mẹ con, 6 con nghé, thu về 220 triệu đồng. Ông Đạo nói: Hằng ngày, tôi lùa trâu lên rừng, ra bờ sông, suối để chăn. Còn khi lúa của bà con thu hoạch xong thì lại chăn thả tại các cánh đồng. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm gần 10 sào cỏ voi để làm thức ăn cho trâu, nhất là vào mùa đông.
Không chỉ trên địa bàn xã Tràng Xá, những năm gần đây, nông dân huyện Võ Nhai cũng chú trọng phát triển đàn trâu để nâng cao thu nhập. Tại xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc, bà Hà Thị Hồ được biết đến là một trong những hộ chăn nuôi trâu, bò với số lượng lớn. Hiện nay, đàn trâu của bà Hồ có 10 con trâu nái và 7 con bò nái. Bà Hồ vui vẻ: Nhờ chăn nuôi trâu, bò mà gia đình tôi có điều kiện làm được nhà, mua máy cày, xe máy, tivi và các trang thiết bị khác phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Đoan, ông Đạo và bà Hồ còn đang góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi trâu, bò ở địa phương phát triển. Ông Triệu Trung Tiên, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho biết: Từ hơn 5 năm nay, người dân trên địa bàn xã đã tích cực chuyển đổi từ chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Nhờ đó, tổng đàn trâu, bò của xã hiện nay đạt trên 400 con, với hơn 200 hộ chăn nuôi (tăng gấp đôi so với năm 2016). Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã cũng đã tập trung hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hàng chục hộ nghèo.
Cùng với đó, xã còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với phòng chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi trâu, bò cho bà con. Đặc biệt, vừa qua xã đã triển khai mô hình chăn nuôi bò 3B với 10 hộ tham gia, với tổng đàn gần 50 con. Qua đó, nhằm phát huy lợi thế chăn nuôi đại gia súc của địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.