Nỗi niềm gà ta

(Người Chăn Nuôi) – 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam vẫn ghi nhận nhập siêu thịt gà, khiến thị trường tiêu thụ gia cầm trong nước vốn đã khó lại càng khó hơn.

Nhập siêu thịt gà

Từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ngành gia cầm nước ta gặp rất nhiều khó khăn về thị trường khi mà năm 2019, tăng trưởng của ngành này đã quá nóng, dẫn đến cung vượt cầu. Theo đó, lần đầu tiên trong 15 năm gần đây, sản lượng thịt gia cầm sản xuất trong nước năm 2019 đã tăng 35%, trứng tăng 24% so năm 2018. Chính vì vậy, bước sang năm 2020, đặc biệt 8 tháng đầu năm 2021, theo sự điều tiết của quan hệ cung cầu, tăng trưởng của ngành gia cầm đã chậm lại, thậm chí đã tăng trưởng âm so năm 2020 (ước tính giảm 25 – 35% tùy mặt hàng). Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát cuối tháng 4/2021 đã bồi thêm cú đánh “knock-out” đối với ngành hàng chiếm vị trí thứ 2 này khiến cả tổng cung và tổng cầu sản phẩm gia cầm trong nước đều giảm sút. Thế nhưng, 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam vẫn ghi nhận nhập siêu thịt gà.

nhập khẩu thịt gà

Nhập khẩu thịt gà của Việt Nam năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021 – Nguồn: VITIC, Bộ Công thương

Cụ thể, tháng 7/2021, nhập khẩu thịt gà của Việt Nam tăng khá, với lượng nhập khẩu đạt hơn 23.000 tấn, trị giá 21,1 triệu USD, tăng 21,7% về lượng và 24,6% về giá trị so tháng 6/2021, tuy nhiên lại giảm 16,7% về lượng và 15,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2020. Theo đó, lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu thịt gà đạt hơn 146.000 tấn, trị giá hơn 128,8 triệu USD, giảm 22,1% về lượng và 26,1% về trị giá so cùng kỳ năm 2020.

Mỹ là thị trường cung cấp thịt gà lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 7/2021, với khối lượng đạt hơn 7.400 tấn, trị giá hơn 7,1 triệu USD, tăng 38,8% về lượng và 36,6% về giá trị so tháng 6/2021. Luỹ kế 7 tháng năm 2021, Mỹ cung cấp cho Việt Nam 52.600 tấn thịt gà, trị giá hơn 46,8 triệu USD, giảm 47,3% về lượng và 44,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2020. Brazil đứng thứ 2 với khối lượng đạt 21.200 tấn, trị giá hơn 18 triệu USD, tăng 6,5% về lượng nhưng lại giảm 9,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2020. Ðứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc với khối lượng đạt 20.100 tấn, trị giá hơn 21,2 triệu USD.

 

Gà trong nước khó tiêu thụ

Tại Hội nghị sản xuất chăn nuôi, cung – cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/9, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin, giá gà lông trắng ở các tỉnh Nam bộ xuống thấp nhất chỉ còn 6.000 đồng/kg và khu vực này đang ế tới 9,3 triệu con gà đã đến thời kỳ xuất bán.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, 7 tháng đầu năm 2021, Cục Chăn nuôi ghi nhận giá gà, giá heo hơi giảm mạnh so cùng thời điểm năm 2020. Giá của nhiều sản phẩm ngành chăn nuôi bắt đầu giảm từ tháng 4, sang đến các tháng 5, 6, 7 thì tiếp tục giảm sâu hơn. Hiện tại, giá heo hơi từ 50.000 – 58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg, giảm mạnh 20.000 – 25.000 đồng/kg so cùng thời điểm 2020. Còn ở các tỉnh phía Nam, giá gà thịt lông màu hiện ở mức 25.000 – 30.000 đồng/kg, ở các tỉnh phía Bắc khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg. Ðáng chú ý, ở các tỉnh phía Nam, do đứt gãy chuỗi cung ứng, Cục Chăn nuôi ghi nhận giá gà thịt công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000 – 10.000 đồng/kg, trong khi ở các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg.

gà siêu thị

Việt Nam ghi nhận nhập siêu thịt gà trong 7 tháng đầu năm 2021 – Ảnh: Tấn Thạnh

Ðồng nhận định, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho hay, tại miền Nam, tiêu thụ gà trắng vẫn rất khó khăn, tồn đọng khoảng 9 – 10 triệu con, giá bán chỉ bằng 1/2 giá thành. Cụ thể, giá các mặt hàng gia cầm trong cả nước như sau: Gà con giống lông màu 1 ngày tuổi tại 3 miền Bắc, Trung, Nam dao động 5.000 – 6000 đồng/con (với giá bán này không có lãi mà còn lỗ), giảm 10 – 12% so năm ngoái. Giá gà thịt lông màu tại 3 miền Bắc, Trung, Nam giảm 16 – 17% so năm ngoái. Giá gà thịt lông trắng miền Bắc giảm 28% so bình quân năm ngoái, tại Nam Trung bộ, miền Ðông và miền Tây giảm 59 – 61 % so bình quân năm ngoái. Giá vịt thịt tại miền Bắc, miền Nam giảm 33 – 35% so năm ngoái.

“Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất giống gia cầm trong VIPA đều giảm quy mô đàn 35 – 40% do thua lỗ vì không tiêu thụ được con giống hoặc tiêu thụ chậm, giá bán dưới giá thành”, VIPA cho biết thêm.

Nhập khẩu thịt gà của nước ta 7 tháng đầu năm 2021 vẫn ở mức cao, trong khi đó do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng gà tồn đọng ở trong nước còn khá lớn, giá gà trên thị trường lại giảm sâu, điều này càng tạo thêm áp lực cạnh tranh lớn đến thịt gà trong nước.

Hiện, Việt Nam đã gia nhập 13 Hiệp định thương mại, trong đó có 2 Hiệp định ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi là EVFTA và CPTPP. Theo đó, lộ trình thuế nhập khẩu thịt ga cầm sẽ càng ngày càng giảm dần và xuống 0% sau 7 – 10 năm nữa, vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ gia cầm trong nước. Ngành chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu giá rẻ nhiều nhất. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có các hàng rào kỹ thuật để đưa ra các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi mà Việt Nam đã mở cánh cửa nhập khẩu, đồng nghĩa với không còn có hàng rào thuế quan thì việc tạo hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất gia cầm trong nước là điều rất cần thiết.

>> 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 6.000 tấn thịt gà, trị giá hơn 11,3 triệu USD, tăng 20,3% về lượng và 25,7% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Nếu so sánh với sản lượng và kim ngạch nhập khẩu thịt gà 7 tháng đầu năm 2021, thì Việt Nam đã nhập siêu mặt hàng này.

Nguyễn Thanh Ðức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *