UBND tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 1159/UBND-NL về tổ chức phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi và tổng kết đánh giá chính sách hỗ trợ phòng-chống dịch bệnh động vật.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung các nội dung kế hoạch đảm bảo phù hợp với chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh, tăng cường chỉ đạo kiểm tra đôn đốc hướng dẫn các địa phương trong công tác phòng-chống dịch bệnh, nhất là tại các địa bàn có ổ dịch cũ như Chư Pưh, Phú Thiện, Ayun Pa; bố trí nhân lực hỗ trợ hướng dẫn huyện Ia Pa bao vây khống chế, dập tắt nhanh các ổ bệnh.
Nông dân cần chú trọng khâu phòng dịch bệnh cho đàn heo khi tái đàn. Ảnh: Thanh Nhật
Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đánh giá cơ chế chính sách hỗ trợ phòng-chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và thú y tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác phòng-chống dịch, nhất là các địa bàn đang xảy ra dịch. Thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin, đánh giá diễn biến, nhận định tình hình dịch bệnh, tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai các giải pháp phòng-chống dịch phù hợp hiệu quả. Chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật thực hiện nghiêm công tác kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh tại các đầu mối giao thông, tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…
Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối nguồn kinh phí đảm bảo, đủ, kịp thời hỗ trợ ngành và các địa phương, phục vụ công tác phòng-chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi theo quy định. Ban chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường kiểm tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật và các sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với các trường hợp vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam…
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi chưa xảy ra dịch bệnh, giao trách nhiệm cho chính quyền cấp xã tích cực hướng dẫn người nuôi heo chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng-chống dịch bệnh cho đàn gia súc, tổ chức tăng cường tiêu độc, sát trùng vệ sinh môi trường chăn nuôi, quán triệt người chăn nuôi tự giác báo cáo dịch bệnh để được phối hợp xử lý kịp thời, tuyệt đối không được giấu dịch, xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Tăng cường quản lý chăn nuôi, xuất nhập gia súc và theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh, phát huy vai trò hoạt động của thú y cơ sở và trưởng thôn trong công tác phát hiện kịp thời các trường hợp heo có biểu hiện mắc bệnh và nghi mắc bệnh để nhanh chóng phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch. Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển heo tại địa phương. Quán triệt lực lượng tham gia phòng-chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tuân thủ đầy đủ quy trình phòng-chống dịch Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ. Chủ động thông tin báo cáo kịp thời, đúng quy định khi phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh.
Riêng đối với huyện Ia Pa, UBND huyện tập trung huy động nguồn lực để triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách để bao vây, khống chế, sớm dập tắt các ổ bệnh, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, chủ động kinh phí đảm bảo đủ, kịp thời để mua vật tư dụng cụ hóa chất và các chi phí hỗ trợ công tác phòng-chống dịch tại địa phương. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hàng ngày tổng hợp báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh, kết quả công tác tổ chức phòng-chống dịch và nhận định tình hình đề xuất giải pháp về UBND cấp huyện và Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời…
Lương Thanh
Nguồn: Báo Gia Lai