(Người Chăn Nuôi) – Sáng 14/8, buổi Livestream Tọa đàm trực tuyến “Kênh tiêu thụ nông sản Việt: Vẽ nên bức tranh nông sản Việt cần những gam màu nào?” đã diễn ra với sự tham gia của các diễn giả trong lĩnh vực nông sản, thu hút đông đảo lượt xem.
Trong những năm gần đây, người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước vẫn thường xuyên tham gia các cuộc “giải cứu” nông sản cho các địa phương. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp bền vững và cũng không mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân, vì sản phẩm bán ra với giá rất thấp. Đặc biệt hiện nay, cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khiến việc tiêu thụ nông sản của người nông dân càng gặp nhiều khó khăn.
FoodMap là sản phẩm khởi nghiệp được ra mắt vào cuối năm 2018. Đây là một website thương mại điện tử, giới thiệu và bán các loại nông sản, đặc sản Việt Nam thông qua việc kết nối trực tiếp giữa nông dân, các hộ sản xuất nhỏ lẻ với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố. Theo ông Mai Thanh Thái, Giám đốc kinh doanh, Đồng sáng lập TMĐT FoodMap, ngành nông nghiệp phản ánh rất rõ sự cân bằng của các mắt xích trong chuỗi cung ứng của ngành, nếu đứt gãy một mắt xích nào thì đều có thể ảnh hưởng đến chuỗi. Ở Việt Nam, mặc dù nông nghiệp là ngành đặc thù và truyền thống, nhưng hiện nay nông nghiệp Việt Nam vẫn đang thiếu tính minh bạch thông tin nên chưa đón nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng. Cùng đó, điểm hạn chế của các nhà sản xuất và phân phối là không chú trọng đến xây dựng hình ảnh thương hiệu và thiếu thông tin cần thiết từ người tiêu dùng.
Kênh tiêu thụ đóng vai trò huyết mạch của toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và tiêu dùng – Ảnh: ST
Còn theo bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, ở nước ta, nông nghiệp là ngành có sức sản xuất lớn, người dân chăm chỉ, cần cù. Tuy nhiên, để kênh tiêu thụ nông sản bền vững thì Bộ NN&PTNT cần có đơn vị đóng vai trò là “nhạc trưởng” để hướng dẫn, đồng hành cùng người dân, tư vấn cho người dân về đối tượng nuôi trồng, mùa vụ, kỹ thuật… Có như vậy, mới tránh được tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, đối với kênh tiêu thụ sản phẩm cũng cần chia rõ ràng từng hệ thống như sản xuất, phân phối…
Tại buổi Tọa đàm, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập báo Nông Nghiệp Việt Nam cho biết: Kênh tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng, được xem là huyết mạch của toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và tiêu dùng, duy trì quá trình lưu thông, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 này. Điển hình như những ngày qua tại một số địa phương, có thời điểm giá gà trắng xuống mức chỉ 8.000 đồng/kg, tuy nhiên, cũng thời điểm đó thì tại TP. Hà Nội giá gà lông trắng vẫn cao hơn rất nhiều, thậm chí không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Vì vậy, thời gian tới, kiến nghị Bộ NN&PTNT cần quan tâm hợp lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp về chính sách cũng như thị trường nhằm thiết lập chuỗi cung ứng nông sản hoàn chỉnh, thích ứng với mọi tình huống để tránh tình trạng hàng hóa ứ đọng. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần nâng cao thế mạnh, đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị nông sản, lắng nghe nhu cầu thị trường, tạo sàn thương mại điện tử để thích ứng với tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Cũng tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đã cùng lắng nghe và trả lời câu hỏi của một số doanh nghiệp, người sản xuất. Qua đó, đa số ý kiến cho rằng, để xây dựng kênh tiêu thụ hiệu quả, cần sự chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, các kênh phân phối , từ đó tăng lượng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Thái Thuận